Câu hỏi đặt ra là khi thi quá nhiều môn, liệu thí sinh có thể tăng thêm hay lại đánh mất cơ hội?
Để xét tốt nghiệp, thí sinh (TS) phải dự thi 4 bài (6 môn), gồm 3 bài độc lập (toán, văn, ngoại ngữ) và 1 bài tự chọn trong số 2 bài tổ hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân). Để tăng cơ hội xét tuyển, TS được chọn dự thi cả 2 bài tổ hợp, điểm bài cao hơn được chọn tính điểm xét tốt nghiệp. Như vậy tính thêm cả 3 môn bắt buộc, TS diện này phải dự thi hết 9 môn.
6 môn là vừa đủ
Theo quy định của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016, TS chỉ cần thi tối thiểu 4 môn (tối đa 8 môn) để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Kết quả thống kê cho thấy, số lượng TS dự thi 7 - 8 môn chiếm tỷ lệ rất thấp (chưa tới 1% tổng số TS dự thi cụm ĐH). Năm 2016 chỉ có 0,04% trong tổng số 595.630 TS chọn thi 8 môn. Trong khi có tới gần 50% TS thi 5 - 6 môn. Số liệu này cũng cho thấy TS dự thi nhiều môn có điểm trung bình 3 môn thấp hơn số lượng TS thi ít môn. Cụ thể năm 2016, điểm trung bình 3 môn của TS thi 8 môn chỉ 12,3 trong khi điểm TS dự thi 5 - 6 môn là 14,77 (mức chênh lệch 2,47 điểm).
Từ kết quả này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc dự thi quá nhiều môn đòi hỏi TS phải tập trung rất nhiều thời gian và công sức mới đạt kết quả cao hơn. “TS chọn cả 5 bài (9 môn) cần phải rất cân nhắc dựa trên định hướng ngành, trường xét tuyển và năng lực học tập thực tế. Nếu dự thi cả 9 môn nhưng điểm các môn đều thấp hoặc bị điểm liệt môn thành phần trong cả 2 bài tổ hợp thì coi như mất cả chì lẫn chài”, tiến sĩ Nghĩa khuyên.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa thông tin thêm, dựa trên kết quả khảo sát sơ bộ từ các trường THPT vừa thực hiện, tỷ lệ học sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên vẫn chiếm áp đảo. Với thực tế đó, dự đoán trong kỳ thi năm nay, tỷ lệ học sinh chọn bài khoa học tự nhiên chắc chắn vẫn sẽ cao hơn so bài khoa học xã hội. Đáng nói hơn, số TS dự thi cả 5 bài (9 môn) sẽ có tỷ lệ rất thấp, thậm chí còn thấp hơn so với tỷ lệ TS đã chọn 7, 8 môn ở những năm trước.
“Tương thích với phần đông số lượng TS chỉ chọn thi 6 môn của 2 kỳ thi trước, năm nay TS chọn thi 6/9 môn là vừa đủ. Điều này đảm bảo xét tốt nghiệp đồng thời tạo ra nhiều tổ hợp xét tuyển phù hợp với các tổ hợp môn chính mà các trường sử dụng trong xét tuyển năm nay”, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa khuyên.
4 bài thi tạo ra 14 tổ hợp
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng việc chọn 3 bài thi bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ kết hợp với một bài tổ hợp đa phần sẽ đáp ứng được cả 2 mục đích: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH.
Thạc sĩ Vũ lập luận, xu hướng chung thì các trường sẽ sử dụng bài thi khoa học tự nhiên cho ngành kỹ thuật, bài thi khoa học xã hội cho ngành xã hội… Từ đó thạc sĩ Vũ kết luận: “Tập trung vào một bài thi tổ hợp sẽ giúp việc ôn tập và thi đạt kết quả cao hơn”.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng thời điểm này TS chỉ nên tập trung vào môn học sở trường. Ông Minh cho biết thực tế việc bổ sung tổ hợp môn xét tuyển mới của các trường trong năm nay đều tính toán nhằm tăng thêm cơ hội xét tuyển cho TS.
Chẳng hạn, các ngành kỹ thuật của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đều sử dụng tới 4 tổ hợp (trong đó có tổ hợp chứa môn khoa học tự nhiên). TS muốn vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các ngành này cần dự thi 4 bài: toán, văn, tiếng Anh, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh). Khi đó, TS có thể xét tuyển vào bằng cả 4 tổ hợp, bao gồm 3 tổ hợp cũ là toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, văn, lý và tổ hợp mới toán, tiếng Anh, khoa học tự nhiên. Trong đó, giả sử trường hợp môn sinh không phải môn sở trường nên bị điểm thấp, TS có thể sử dụng điểm của tổ hợp cũ. Còn khi điểm môn sinh cao khiến tổng điểm trung bình 3 môn của bài thi khoa học tự nhiên cao hơn xét riêng từng môn lẻ, TS sẽ có cơ hội ở tổ hợp môn mới.
Tương tự, ngành ngôn ngữ Anh trường này năm ngoái chỉ xét một tổ hợp (toán, văn, tiếng Anh) thì năm nay sử dụng tới 4 tổ hợp (toán, văn, tiếng Anh; văn, tiếng Anh, sử; văn, tiếng Anh, lý và toán, tiếng Anh, khoa học xã hội). Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh cho rằng, cả 4 tổ hợp này đều được tạo nên bởi một bài thi khoa học xã hội và 3 môn bắt buộc. “TS chỉ cần tập trung vào một bài thi tổ hợp chứ không nên trải sức vào những môn không có sự chuẩn bị từ trước. Ngoài ra, quy định của Bộ cũng chỉ cho phép các trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia sử dụng tối đa 4 tổ hợp cho một ngành”, ông Minh khuyên.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết từ 4 bài thi (toán, văn, tiếng Anh và khoa học tự nhiên) có thể tạo ra được 14 tổ hợp xét tuyển khác nhau mà các trường sử dụng. Điều này cho thấy, TS không nhất thiết phải dự thi hết 2 bài tổ hợp (9 môn) vì khi đó TS sẽ không đạt được hiệu suất tối đa trong quá trình làm bài.
Tác giả bài viết: Hà Ánh
Nguồn tin: