Thế giới

Cân não ở Pakistan

Theo một số chuyên gia, Mỹ cũng thiệt hại nhiều trong quyết định "treo" viện trợ cho Pakistan.

Hôm 4-1, Mỹ cho biết sẽ đình chỉ ít nhất 900 triệu USD viện trợ an ninh cho Pakistan cho tới khi nước này có các hành động chống lại phong trào Taliban ở Afghanistan và mạng lưới Haqqani.

Phép thử lớn

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo quyết định trên, khẳng định nó phản ánh sự thất vọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với việc Islamabad không những không làm gì để chống lại 2 nhóm khủng bố nói trên mà còn để chúng nương náu và thực hiện các cuộc tấn công vào nước láng giềng Afghanistan, gây tổn thất cho cả lực lượng Mỹ tại đây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu rõ tổng giá trị khoản viện trợ bị đóng băng nhưng cho hay số tiền này đang được tính toán và bao gồm cả ngân sách của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo Reuters, các quan chức Mỹ cho biết 2 loại hình viện trợ chính bị ảnh hưởng là tài trợ quân sự nước ngoài (FMF, tức cấp vốn để mua vũ khí quân sự Mỹ) và các quỹ hỗ trợ liên minh (CSF, trợ giúp cho Pakistan trong các hoạt động chống khủng bố).

Người dân tham gia cuộc tuần hành chống Mỹ tại TP Chaman - Pakistan hôm 5-1 Ảnh: REUTERS

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Patrick Evans nói quyết định đình chỉ nói trên bao trùm các quỹ của CSF, thuộc quyền của Bộ Quốc phòng. Theo đó, Quốc hội Mỹ đã cho phép cung cấp khoản ngân sách lên tới 900 triệu USD cho Pakistan trong năm tài chính 2017 kết thúc ngày 30-9-2017. Chưa có một xu nào trong gói này được giải ngân.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố ngừng khoản viện trợ 255 triệu USD theo danh mục FMF của năm tài chính 2016 cho Pakistan.

Trang USA Today cho rằng việc Tổng thống Trump gây sức ép với Pakistan lần này là phép thử lớn của chiến lược mới nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan - cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ tới nay và đã bước sang năm thứ 17.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Pakistan Nuzhat Sadiq hôm 6-1 bày tỏ sự thất vọng và khẳng định rằng việc treo viện trợ của Mỹ sẽ gây tổn hại tới quan hệ giữa 2 nước. Lặp lại tuyên bố một ngày trước đó của Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Khawaja Asif, bà Sadiq khẳng định Islamabad vẫn có thể sống sót mà không cần viện trợ của Mỹ như những gì đã diễn ra những năm 1990.

Trung Quốc vào cuộc

Theo phân tích của trợ lý giáo sư Stephen Tankel tại Trường ĐH American, mất nhiều ở động thái treo viện trợ này lại chính là Mỹ. Vị chuyên gia cho rằng viện trợ quân sự vốn là mối liên kết để duy trì quan hệ quân sự giữa hai bên. Về phía Mỹ, đó là đầu mối quan trọng để họ tiếp cận vào những hoạt động từ Pakistan vào Afghanistan, tiếp cận không phận Pakistan hay tiến hành các chiến dịch bằng máy bay không người lái trên đất Pakistan với sự đồng thuận ngầm của nước này, cũng như nhiều dạng hợp tác chiến thuật khác.

Mặt khác, Trung Quốc có thể tận dụng bước đi này của Mỹ để thực hiện tham vọng của mình ở Pakistan, theo Business Insider. Ngay sau khi Tổng thống Trump chỉ trích Islamabad cung cấp thiên đường an toàn cho khủng bố, Bắc Kinh hôm 2-1 đã lên tiếng bảo vệ Pakistan, nói rằng cộng đồng thế giới nên thừa nhận sự đóng góp nổi bật của nước này trong hoạt động chống khủng bố. Một ngày sau đó, Ngân hàng Trung ương Pakistan thông báo sẽ bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thương mại song phương.

Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Terry McCarthy của Hội đồng Vấn đề quốc tế Los Angeles (Mỹ), Trung Quốc sẽ nhanh chóng tận dụng bất cứ "cánh cửa tiềm năng" nào với Pakistan. "Trung Quốc phải cạnh tranh với cả Mỹ và Ấn Độ. Do đó, họ sẽ sử dụng Pakistan như chiếc mỏ neo để phục vụ chính sách "Vành đai và con đường" - ông McCarthy nhận định.

Cũng theo ông này, Pakistan hiện giữ vai trò chiến lược trong tham vọng mở rộng sức mạnh của Bắc Kinh và còn là lối vào quan trọng ở phía Nam của sáng kiến "Vành đai và con đường".

Khi được hỏi liệu động thái mới nhất của Mỹ có đẩy Pakistan về phía Trung Quốc, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 5-1 trả lời báo giới rằng quan hệ giữa Pakistan với Mỹ không giống với Trung Quốc. "Cái Pakistan nhận từ Trung Quốc không nhất thiết giống với cái họ nhận được từ Mỹ và ngược lại" - quan chức trên nhấn mạnh.

Cũng theo lời người này, Mỹ không có khả năng chỉ đạo ngân hàng và các công ty nhà nước đầu tư 55 tỉ USD vào Pakistan (như Trung Quốc) nhưng Trung Quốc lại không có khả năng cung cấp các thiết bị quân sự chất lượng cao nhất thế giới.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: cắt viện trợ , Pakistan , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP