Giáo dục

Cần một cuộc tổng rà soát các loại bằng tiến sĩ

Nhiều người khi được bổ nhiệm là cán bộ quản lý, xảy ra khiếu kiện thì đơn vị sử dụng lao động mới phát hiện ra tấm bằng tiến sĩ rởm.

Nước ta có hơn 24.000 tiến sĩ. Trong số đó, có bao nhiêu là “rởm” bao nhiêu là thật chắc khó có câu trả lời chính xác. Có lẽ, chỉ có từng tiến sĩ mới trả lời được mình là tiến sĩ giấy hay tiến sĩ thật!

Thời gian qua phong trào đào tạo tiến sĩ nở rộ ở các trường, viện, cộng với việc nhiều người có điều kiện ra nước ngoài học các chương trình liên kết 1-2 năm là có bằng tiến sĩ đã khiến cho tiến sĩ không còn là một học vị hiếm hoi nữa.

Tình trạng “lò ấp tiến sĩ” không còn là chuyện lạ trong thời gian qua. Đã có thời gian, người ta chỉ đánh giá cao những người làm tiến sĩ nước ngoài, nhưng bây giờ, ai cũng hiểu nước ngoài có năm bảy kiểu, không phải cứ bằng cấp của nước ngoài đào tạo và cấp là có chất lượng.

Trường hợp ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng cục Hàng hải (Bộ GTVT) bị tố sử dụng bằng tiến sĩ chưa được công nhận là một ví dụ. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã chính thức xác nhận bằng của ông Sang do ĐH Khoa học, Nghiên cứu và Thực nghiệm Điện tử, Ô tô và Thiết bị điện - Liên Bang Nga không đủ điều kiện để công nhận tại Việt Nam.

Trước đó, trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh – nguyên Bí thư Đà Nẵng cũng là một ví dụ điển hình về việc đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.

Và khi Bộ GD-ĐT đề xuất dự thảo chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ trong nước nhiều người bày tỏ lo ngại lại có hàng loạt "tiến sĩ giấy" sắp được ra lò!

Đã có rất nhiều trường hợp, khi được bổ nhiệm là cán bộ quản lý, xảy ra khiếu kiện thì đơn vị sử dụng lao động mới phát hiện ra tấm bằng tiến sĩ rởm. Đây là bài học rất đau xót trong công tác quản lý hồ sơ cán bộ, về tình trạng sính bằng cấp mà không căn cứ vào thực lực, thực tài. Công việc thực tế đòi hỏi người có năng lực chứ không đòi hỏi bằng cấp. Bằng cấp chỉ là điều kiện cần phải đạt được ở khâu tuyển dụng, xét tuyển ban đầu. Khi bắt tay vào công việc, năng lực thực tế mới là yếu tố số 1.

Tiến sĩ, lẽ ra phải là một học vị được xã hội tôn kính nhưng thời gian qua với thực tế chất lượng đào tạo và với những đề tài luận án rất vô bổ, nông cạn nhưng vẫn được đầu tư nghiên cứu, được cả một hội đồng các Tiến sĩ thông qua… để công nhận học vị của rất nhiều người nên đã trở thành đề tài để xã hội đàm tiếu, nhạo báng, coi thường. Khi ra ngoài xã hội, những tiến sĩ được “ấp” và tiến sĩ lăn lộn thực tế, nghiên cứu, đóng góp hàm lượng khoa học cao đều được đánh giá như nhau. Thực tế này đã khiến không ít ông tiến sĩ thật “mủi lòng” và cảm thấy mình bị hạ thấp. Và hậu quả chỉ có quốc gia, đơn vị sử dụng lao động và người học gánh chịu, còn tiến sĩ giấy vẫn được hưởng các quyền lợi như tiến sĩ khác.

Thực tế công tác đào tạo, chất lượng tiến sĩ trong nước và nước ngoài thời gian qua cho thấy, Bộ GD-ĐT và các cơ quan quản lý cần có một cuộc tổng rà soát các loại tiến sĩ để loại bỏ những tiến sĩ giấy, tạo sự công bằng cho người có năng lực thực sự. Đất nước ta đang rất cần một đội ngũ những người làm việc thực sự chứ không cần những người có nhiều bằng cấp nhưng lại không làm được gì.

Tác giả: Vũ Hạnh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP