Ngày nay, với sự phát triển của thông tin truyền thông ngày càng nhanh chóng, thì Facebook nói riêng hay các trang mạng xã hội nói chung đã không còn đơn thuần là không gian để mỗi người chia sẻ sở thích, hoạt động riêng tư, quan điểm sống. Bên cạnh những mặt tích cực, Facebook hiện đã và đang trở thành "công cụ" đắc lực để một số người lợi dụng nhằm xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ uy tín của người khác...
Các cơ quan quản lý cũng đang tìm cách ngăn chặn, xử lý. Vậy dưới góc độ pháp lý, hình thức xử lý các hành vi trên như thế nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi nói xấu người khác trên mạng xã hội có thể xử lý vi phạm hành chính, chịu trách nhiệm dân sự, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hình minh họa. |
Về xử lý hành chính: Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 và khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì người có hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại Điều 25, Bộ luật Dân sự 2005 thì người bị xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm bởi hành vi bêu rếu, nói xấu trên Facebook có quyền yêu cầu yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Căn cứ Điều 307 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được quy định tại Điều 611 như sau: "Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1, Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định".
Về xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; hoặc phạm tội đối với nhiều người có thể bị phạt tù từ 1 - 7 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1-10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Trong đó, hành vi bịa đặt được hiểu là việc tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có thật đối với người khác để bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Còn hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt là trường hợp tuy người phạm tội không bịa đặt, nhưng lại loan truyền những thông tin mà mình biết rõ thông tin đó là do bịa đặt, không đúng sự thật. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như: Sao chép làm nhiều bản gởi đi cho nhiều người qua message (tin nhắn), kể lại cho người khác nghe, đăng status (trạng thái), comment (lời bình) trên Facebook...
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Người đưa tin