Giáo dục

Cấm dạy thêm ở trường học, giáo viên sẽ bị ép giá ở trung tâm

Do trung tâm bồi dưỡng văn hóa, cơ sở dạy thêm ít, mà nhu cầu của giáo viên thì nhiều, nên sẽ có thể dẫn đến tình trạng ‘ép giá’, trả thù lao rẻ cho giáo viên.

Trước yêu cầu của lãnh đạo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh về việc cấm dạy thêm học thêm ở trường học, cho phép làm ở các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, trung tâm ngoại ngữ, nhiều giáo viên tại thành phố đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.

Cấm dạy ở trường, giáo viên sẽ bị ‘ép giá’ ở trung tâm

Cô H. là một trong những giáo viên dạy Hóa lâu năm của trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: Nhu cầu học thêm của học sinh là có thật, và như vậy thì giáo viên mới tổ chức dạy thêm.

Tuy nhiên, với yêu cầu phải chuyển các lớp dạy thêm ra trung tâm, mà không cho dạy ở trường thì cần phải nhìn nhận lại.

“Toàn TP.Hồ Chí Minh có được bao nhiêu trung tâm bồi dưỡng văn hóa, trung tâm ngoại ngữ, mà nhu cầu cần dạy thêm của giáo viên là bao nhiêu người, có đủ để dạy ở các trung tâm hay không? “ – cô H. nói tiếp.

Ví dụ, có khoảng vài nghìn giáo viên có nhu cầu đi dạy thêm, mà trung tâm thì chỉ có vài chục, nhu cầu tuyển giáo viên chỉ vài trăm người, thì sẽ xảy ra tình trạng ‘ép giá’, trả thù lao không xứng đáng với công sức mà các giáo viên đã bỏ ra.

Vẫn biết đó là nhu cầu của thị trường, các giáo viên tự thỏa thuận giá cả với trung tâm thu nhu cầu ‘thuận mua – vừa bán’, nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều giáo viên ‘nhắm mắt’ đồng ý dạy với thù lao rẻ mạt, vì nhu cầu trang trải cuộc sống hàng ngày.


Một lớp học thêm luyện thi tuyển sinh lớp 10 của trường trung học cơ sở Phú Thọ (Ảnh: P.L)

Theo cô H., yêu cầu này của các cấp lãnh đạo chỉ có thể thực hiện, đảm bảo thu nhập thêm của giáo viên khi mà số trung tâm dạy thêm nhiều, đủ sức cho tất cả các giáo viên có nhu cầu được vào dạy.

Tương tự như vậy, thầy D.- giáo viên Vật lý của trường Ngô Gia Tự, quận 8 cũng khẳng định: Việc cho phép dạy thêm, học thêm ở các trung tâm, thì chắc chắn chất lượng không thể nào bằng được tổ chức ở nhà trường.

Bởi lẽ, thầy D, đưa ra nguyên nhân, do những chủ đầu tư các trung tâm, mở ra với mục đích chủ yếu vẫn là kinh doanh, kiếm lợi nhuận, nên sẽ có tình trạng đặt doanh thu lên làm hàng đầu, lớp học sẽ phải có nhiều học sinh.

Còn nếu tổ chức việc dạy thêm ở trường học, trong trường hợp được kiểm soát tốt sẽ mang đến nhiều hiệu quả cao cho học sinh, giáo viên lại có thêm thu nhập.

Lý do, trường học thì không bao giờ đặt doanh thu lên đầu tiên, mà trước tiên phải nghĩ đến chất lượng, do Hiệu trưởng phải sợ khi nghĩ đến trách nhiệm của mình.

Nghề khác được làm thêm, sao giáo viên lại không được dạy thêm?

Cô U. – giáo viên Văn của trường trung học phổ thông Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh bày tỏ: Ngày xưa, nghề giáo viên được đánh giá cao, coi trọng bao nhiêu, thì ngày nay, giáo viên ngày càng bị đánh giá thấp bởi những điều vô lý bấy nhiêu.

Thầy cô giáo lao động bằng những giờ dạy học trò lương thiện, kiếm đồng tiền bằng chính sức lao động của mình, thì lại bị nhiều người lên án, phỉ báng bằng cụm từ ‘vấn nạn’ để chỉ về hoạt động dạy thêm và học thêm.

Trong thực tế xã hội như hiện nay, công nhân ngoài giờ làm chính vẫn có thể tăng ca ở công ty, xí nghiệp, bác sĩ ngoài giờ làm việc ở bệnh viện vẫn có thể mở phòng mạch khám bệnh, những nghề nghiệp khác vẫn có thể làm thêm, ngoài giờ lao động chính thức.

Thế nhưng, đối với nghề giáo, tại sao lại cấm dạy thêm ở trường, khi mà những nghề khác lại có thể được làm thêm?

Chỉ vì không quản, kiểm soát được việc dạy thêm học thêm, mà cấm hoạt động này trong trường học, thì sẽ khiến cho biết bao nhiêu giáo viên bị mất đi một phần thu nhập đáng kể trong cuộc sống hàng ngày.

“Đến bao giờ, các giáo viên mới có thể yên tâm làm một nghề luôn được xã hội tôn vinh là cao quý, Bác Hồ luôn cho là nhiệm vụ rất quan trọng, vẻ vang?” – cô U. đặt vấn đề.

Tác giả bài viết: Phương Linh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP