Giáo dục

Cám cảnh sống tạm bợ của giáo viên vùng xa ở TPHCM

Không có nhà, cả gia đình nhà giáo phải tá túc ký túc xá của học sinh; có thầy sống trong căn nhà mướn chật hẹp; có thầy được gia đình người thân cho mảnh đất cũng chẳng có tiền để cất cất nhà… Nhiều giáo viên phải sống tạm sống bợ như thế để bám nghề.

Không ít người thầy hàng ngày đang bám trụ với công việc dạy học ở huyện Cần Giờ, vùng sâu vùng xa của TPHCM đang sống trong cảnh hết sức cơ nhỡ rất khó hình dung.

Dạy Địa lí tại Trường THPT Cần Thạnh, Cần Giờ, TPHCM, gia đình thầy Chu Huỳnh Lâm có hai cái khổ gộp lại là cả hai vợ chồng đều là giáo viên, cùng gắn bó với ngôi vùng sâu vùng xa của thành phố này đã 12 năm. Không có điều kiện xây nhà, lâu nay, vợ chồng thầy cùng cô con gái 5 tuổi tá túc trong ký túc xá của học sinh tại trường.

12 năm đi dạy ở vùng sâu vùng xa của thành phố, thầy Chu Huỳnh Lâm cùng gia đình đang phải tá túc trong ký túc xá dành cho học sinh

Thu nhập của vợ chồng thầy không có gì khác ngoài lương với đủ khoản với lo. Cô Dương Ngọc Trang, vợ thầy Lâm mang bệnh suyễn mãn tính, phải thường xuyên sử dụng thuốc trị bệnh, cả hai còn lo cho gia mẹ già đã ở tuổi ốm đau, bệnh tật.

Gia cảnh như vậy nhưng thầy Lâm chưa bao giờ hết nhiệt huyết trong công việc bằng sự dấn thân. Ngoài công việc chính tại Trường THPT Cần Thạnh, hiện thầy Lâm còn tham gia giảng dạy cho học sinh lớp 10 thuộc phân hiệu của trường ở ngoài xã đảo Thạnh An. Việc qua lại ở xã đảo còn khó khăn nhưng thầy Lâm tình nguyện chạy đi chạy lại để đến với học sinh.

Ở Cần Giờ, giá đất còn rẻ như bèo thế nhưng rất nhiều thầy cô bám trụ bao nhiêu năm ở đây cũng không giắt lưng” nổi tấc đất nào. Có người may mắn được người thân cho đất hay gom góp, vay mượn mua được đất thì cũng kiệt quệ… không cất nổi nhà. Thế rồi đều cùng cảnh chẳng thể an cư, phải sống trong những căn nhà trọ, nhà mướn tạm bợ.

Cô Bùi Thị Kim Lan, công tác tại Trường THCS Doi Lầu, vợ chồng chia tay, một mình cô lo cho con nhỏ và nuôi bố mẹ già. Cô được bố mẹ cho mảnh đất nhưng cuộc sống hàng ngày luôn thiếu trước hụt sau, lấy đâu ra tiền để cất nhà.

Hay như thầy Nguyễn Văn Tâm, GV Trường tiểu học Lý Nhơn cũng một tay lo cho con nhỏ khi người vợ không có việc làm ổn định. Gia đình vợ cho lô đất nhưng rồi để hoang vì cũng không có khả năng để làm nhà, dù chỉ là căn nhà tạm che nắng che mưa.

Gom góp, xoay xở đủ kiểu, cô Hồ Thị Mộng Ngân, Trường mầm non Tam Thôn Hiệp hay thầy Vũ Việt Anh dạy học tại Trường THCS Tam Thôn Hiệp… mua được mảnh đất. Mà rồi cũng chỉ là “của để dành”, họ vẫn phải đi thuê nhà trọ vì không đủ khả năng làm nhà.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM trao quà hỗ trợ cho giáo viên ở Cần Giờ

Họ, mỗi người mỗi cảnh, cái khổ khó mà so sánh được ai khổ hơn ai. Nhưng họ có điểm chung là cùng tình nguyện, dốc sức để dạy học ở vùng sâu vùng xa của thành phố với đủ thiếu thốn, khó khăn và cả sự thiệt thòi. Ở đây, sẽ đòi hỏi người thầy nỗ lực nhiều hơn cũng như phải học làm quen với cuộc sống thiếu thốn, bấp bênh để bám trụ với nghề.

Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM cùng với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị đã tổ chức thăm và hỗ trợ nhiều thầy cô, nhân viên trong ngành có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, giáo viên vùng sâu vùng xa Cần Giờ nhận được sự quan tâm, chăm sóc này. Một số giáo viên ở đây được trao tặng nhà ở mái ấm công đoàn hoặc được hỗ trợ 10 triệu đồng... san sẻ phần nào khó khăn về đời sống mà họ gặp phải.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP