Giáo dục

Cách tiếp cận mới đối với việc dạy, học và khảo thí tiếng Anh

Trong 2 ngày 13 - 14/10, tại Hà Nội các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khảo thí ngoại ngữ của Việt Nam, Vương quốc Anh và các nước Đông Á chia sẻ các nghiên cứu và những mô hình tiên tiến nhất để giúp giáo viên Việt Nam, các trường và các nhà tuyển dụng tìm được những phương thức mới để kiểm tra trình độ tiếng Anh của người học.

Hội đồng Anh phối hợp với Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tổ chức hội nghị quốc tế về khảo thí ngoại ngữ New Directions tại Việt Nam.

Hội nghị New Directions là một cơ hội để các chuyên gia quốc tế từ những tổ chức danh tiếng nhất trên thế giới để chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm về khảo thí ngoại ngữ. Các chuyên gia trong lĩnh vực khảo thí sẽ đem đến những quan điểm và cách nhìn của quốc gia và quốc tế về xu hướng và cách tiếp cận mới đối với việc dạy, học và khảo thí tiếng Anh.

Những chủ đề tại Hội nghị sẽ khơi dậy nhiều ý tưởng mới, và đặc biệt phù hợp với lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại Hội nghị, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam từ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 sẽ cùng với các chuyên gia từ Vương quốc Anh và nhiều nước trên thế giới, đánh giá cụ thể về thực trạng kiểm tra đánh giá và khảo thí ngoại ngữ tại Việt Nam: những thách thức và cơ hội để hỗ trợ học sinh, học viên trên khắp cả nước học tiếng Anh hiệu quả hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, khảo thí ngoại ngữ là công cụ không thể thiếu trong quá trình dạy và học ngôn ngữ. Nó có thể được xem như thước đo khả năng sử dụng ngoại ngữ thực tế của học viên. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác khảo thí ngoại ngữ lại càng có ý nghĩa quan trọng. Khi năng lực ngoại ngữ được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế thì lao động Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường lao động, có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm trong bối cảnh chuyển dịch lao động tự do giữa các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hiện đang trong quá trình hoàn thành cải cách khảo thí giáo dục. “Chúng tôi đang chú trọng hơn đến khảo thí ngoại ngữ - công cụ quan trọng trong dạy và học ngoại ngữ. Nó được xem là công cụ đánh giá hữu hiệu, thể hiện được năng lực ngoại ngữ của học sinh” – Thứ trưởng Ga nhận định.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Anh Giles Lever cho rằng, hội nghị này được tổ chức với sự phối hợp từ Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 của chính phủ Việt Nam và mong muốn có thể đem đến sự hỗ trợ từ Vương quốc Anh đối với việc dạy và học tiếng Anh trên khắp cả nước, và giúp đỡ các giáo viên, phụ huynh và người học tiếng Anh .

Đại sứ Anh Giles Lever đã hoan nghênh những sáng kiến tích cực từ Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ trong cách quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.

“Vương quốc Anh luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để thực hiện những mục tiêu đã đề ra trong việc giảng dạy tiếng Anh hiệu quả cho học sinh Việt Nam khắp các tỉnh thành” – Đại sứ Giles Lever bày tỏ.

Đại sứ Anh Giles Lever khẳng định: “Một hệ thống khảo thí và đánh giá năng lực ngôn ngữ hiệu quả, có thể kiểm tra được kỹ năng sử dụng ngôn ngữ thực tế có vai trò quan trọng trong quá trình dạy và học ngôn ngữ.

Việc kiểm tra cách mọi người sử dụng ngôn ngữ là rất quan trọng, cũng quan trọng như việc có những bài thi chuẩn mực và có độ tin cậy cao, có thể sử dụng để hỗ trợ việc dạy và học ngôn ngữ”.


Đại sứ Anh Giles Lever.

Đại sứ Anh Giles Lever nhận định, công tác khảo thí chất lượng cao và đáng tin cậy giúp gây dựng niềm tin đối với hệ thống giáo dục và niềm tin đối với bằng cấp. Nó tạo ra những cơ hội thực sự cho con người để họ thể hiện năng lực của mình và có những công việc tốt hơn hoặc để học lên cao hơn ở Việt Nam cũng như quốc tế. Nó cũng thúc đẩy sự thay đổi – các giáo viên tập trung hơn cho công tác giảng dạy những kỹ năng giao tiếp thực sự, hơn là chỉ luyện thi.

“Tầm quan trọng của việc này có thể gói gọn trong những chữ sau: Khảo thí gây dựng Niềm tin, Kiến tạo cơ hội và Thúc đẩy thay đổi tích cực” - Đại sứ Anh Giles Lever nhấn mạnh.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã đưa ra khung trình độ ngoại ngữ 6 bậc, một số cơ sở đào tạo đang tiến hành đánh giá bắt đầu theo khung năng lực này, nhưng chứng chỉ các cấp độ này mới được công nhận trong nước. Việt Nam đang tiến hành xây dựng một Trung tâm Khảo thí Năng lực Ngoại ngữ Quốc gia.

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP