Một hôm, một anh sinh viên dự bị đại học, từ khu 4 về, ở trọ nhà tôi hơn một tháng để chờ giải phóng Thủ đô. Anh có mang theo nhiều sách: Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử, Giáo trình văn học, sách văn học, trong đó có Thép đã tôi thế đấy (Thép Mới dịch), sách bằng giấy rơm nhưng cũng đọc được. Và tôi đã say sưa đọc không dưới 2 lần.
|
Nhân vật Paven Coocsaghin khi bằng tuổi tôi lúc đó (15 tuổi) đã gặp Cách mạng Tháng Mười. Anh đã tham gia nội chiến với tư cách là người bảo vệ công cuộc giải phóng những người lao động chống lại bạo lực phản cách mạng của các giai cấp áp bức bóc lột. Anh đã từ bỏ mối tình đầu với Tônhia, không phải vì hi sinh cho cách mạng, cũng không phải vì khắc kỷ mà vì không thể yêu một người không cùng lý tưởng với mình.
Anh phê phán Tônhia: “Em đã có can đảm yêu một công nhân nhưng không có can đảm yêu một lý tưởng”. Và anh đã trung thành với lý tưởng cao đẹp về cuộc sống, với tâm niệm “cái quý nhất của con người là đời sống, người ta chỉ sống 1 lần thôi. Phải sống sao cho ra sống, sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn về dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để sao cho khi nhắm mắt xuôi tay, có thể nói rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Về sau này, tôi có tiếp thụ thêm quan niệm “mục đích cuộc sống chính là cuộc sống” nhưng do có quan niệm sống của Paven soi chiếu nên cái cuộc sống mà người ta coi là mục đích ấy cũng là cuộc sống có chất lượng theo nghĩa tốt đẹp toàn diện của từ này, chứ không chỉ hiểu theo nghĩa “hưởng thụ cá nhân” hoặc sống bằng mọi giá.
Sau này, tôi được đọc lại toàn văn Thép đã tôi thế đấy, càng hiểu lí tưởng và cách sống ấy đang còn soi chiếu vào mọi ngóc ngách của đời sống, của tâm tư tình cảm con người, như khi Paven cứu một cô gái suýt bị một tên cướp hãm hại, người yêu của cô ta lại hỏi Paven: “Hỏi thật cậu, cô ấy có bị làm sao không”. Paven khinh bỉ không thèm trả lời. Hoặc Paven phản đối trò chơi “mớm chim bồ câu”, tức là trai gái hôn nhau, mặc dù không có tình yêu. Như Maiacopxki nói: “Chủ nghĩa cộng sản không chỉ trong nhà máy, trên ruộng đồng/ Nó còn trong sinh hoạt hàng ngày, trên bàn ăn trong nhà”.
Năm học 1964 - 1965, ra dạy học, tôi say sưa dạy Thép đã tôi thế đấy. Tôi bảo em trai tôi - sau này là họa sĩ Đặng Hiền vẽ cho tôi một bức ảnh Nicolai Ôxtơrốpxki và mang ra lớp treo trong suốt các giờ tôi dạy. Tôi đã cho học sinh của lớp tôi diễn trích đoạn Trên công trường Baiarơca, lớp tôi không có nữ sinh, phải “vay” một cô ở lớp dưới đóng vai Tônhia. Em Chính, người đóng vai kĩ sư Vaxili sau đi chiến đấu và đã hi sinh anh dũng vì em khinh ghét lối sống ích kỉ mà Vaxili là hiện thân. 60 năm sau họp lớp các em vẫn còn nhắc về kỉ niệm diễn Trên công trường Baiarơca…
Lên đại học tôi được học nhiều về văn học Nga và Xô Viết, từ thầy Hoàng Xuân Nhị, người thầy rất giàu nhiệt huyết với cách mạng, với văn học và với các thế hệ học trò. Thầy hướng dẫn chúng tôi đọc Tuôcghênhiep, Gôgol, Dôtxtôiepxki, Liep Tônxtôi… Alexây Tônxtôi, Aimatop, Pautôpxki… và đặc biệt là Macxim Goocki.
Bài thi tốt nghiệp của chúng tôi là phương pháp sáng tác của Macxim Goocki. Nhờ học thầy và đọc nhiều về M. Goocki, tôi đã đạt điểm tốt. Đặc biệt tôi rất say sưa với chủ nghĩa lãng mạn của M. Goocki qua tác phẩm Bài ca chim báo bão, Bài ca chim ưng…
Sau này ra dạy Bài ca chim ưng cho học sinh lớp 10 (tương đương lớp 12 ngày nay), tôi đã cuốn hút các em vào giấc mơ chim ưng, giấc mơ trở thành những chim ưng thời đại. Một học sinh đã tâm sự với tôi như thế và em đã xông vào lũ ó trời, bắn tan xác sáu máy bay phản lực Mỹ, được tuyên dương anh hùng. Đó là Nguyễn Đức Soát, học sinh khóa 1962 - 1965, sau này là Trung tướng Tư lệnh Không quân. Sau khi em được tuyên dương (1973), tôi đã viết Trường ca Đôi cánh gồm 900 dòng thơ và một bài Ký có tên Chim ưng bay lên từ mái trường được đăng trên báo Người giáo viên nhân dân.
Sau giải phóng Thủ đô, tôi may mắn được học 2 năm với thầy giáo văn từ kháng chiến về, thày Lương Thanh Tường. Thày đã say sưa phân tích Thép đã tôi thế đấy và đọc diễn cảm nhiều bài thơ của Maiacopxki mà mấy năm sau tôi đã được đọc trong tập thơ dịch của Hoàng Trung Thông.
Thầy đã đọc cho chúng tôi nghe những bài: Tốt lắm, Chiếc hộ chiếu Liên Bang Xô Viết, Những người loạn họp. Tôi còn nhớ những câu: “Tôi ca ngợi nước ta hiện tại / Bằng ba lần ca Tổ quốc tương lai/ Tôi kính yêu những công trình vĩ đại / Những bước đi rất rộng, rất dài” (Tốt lắm) và liên hệ với những thành tích bước đầu của miền Bắc sau giải phóng, làm cho những học sinh vùng mới giải phóng chúng tôi thêm tin yêu chế độ mới.
Sau này lên đại học, tôi còn được đọc nhiều bài thơ của Maiacôpxki do Trần Dần dịch, và tôi đã thuộc những câu: “Nhà thơ bao giờ cũng nợ nần vũ trụ/ Eo sèo lãi mẹ lãi con/ Tôi nợ Hồng quân/Nợ rặng đèn phố Bơrốtoai/ Nợ đóa anh đào Nhật Bản/ Tôi nợ tất cả những gì tôi chưa hát được bằng thơ” mà sau, trở thành nhà thơ, tôi đã chiêm nghiệm. Hay những câu “Chúng ta đi đạn sủa sau lưng/ Bom gầm trước mặt/ Cho toàn thế giới sống chung/ Để cho khi chết, chúng ta sẽ hóa/ thành những con tầu, thành những bài thơ” thì càng về già, tôi càng tâm đắc.
Không chỉ tôi mà cả thế hệ tôi đều thích thơ văn Xô Viết. Năm học 1957 - 1958, trong một cuộc sinh hoạt câu lạc bộ của trường Đại học Tổng hợp, bạn tôi là anh Đặng Quang Khang, sinh viên vật lí, đã xung phong lên đọc bài thơ Đợi anh về của Constantin Ximônốp bằng nguyên bản tiếng Nga và bản dịch thơ của chính Đặng Quang Khang. Cả hội trường đã vỗ tay hoan hô, thầy giáo dạy tiếng Nga nói vui: “Ông đọc và dịch thơ Ximônốp thế thì đến bố Tây cũng chết”, cả hội trường lại được một dịp cười vui.
Năm học 1989 – 1990, thư viện Hà Đông (Hà Sơn Bình) có tổ chức cuộc thi giới thiệu sách. Một giáo viên có tiếng ở Hòa Bình về đăng ký bài Người thầy đầu tiên truyện ngắn của Aimatôp. Tôi đăng ký Trường ca V.I Lênin (Xuân Diệu dịch). Do yêu thơ, yêu Maiacopxki và kính yêu Lênin, tôi đã thuyết trình hết mình về trường ca đó, đọc diễn cảm nhiều câu hay, lại được cử tọa mà phần lớn là học sinh cổ vũ, nên tôi đã dành giải nhất, thầy giáo Hòa Bình được giải nhì, bắt tay chúc mừng tôi và nói vui: “Tôi không thể thắng được Maia và học trò anh”. Vâng, tôi phải cảm ơn lãnh tụ vĩ đại, nhà thơ lớn Xô Viết, và các học trò tôi, những fan của Maia cũng là những người con trung thành của cách mạng.
Từ thực tế cuộc sống và sáng tác, tôi cảm nhận và khẳng định: Cách mạng tháng 10 sáng mãi trong tôi.
Tác giả: Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển (Nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn)
Nguồn tin: Báo Tiền phong