Xe

Cách giao tiếp khi bị cảnh sát giao thông dừng xe: 7 mẹo giúp bạn tự tin

Dưới đây là các chỉ dẫn giúp bạn giao tiếp với cảnh sát giao thông (CSGT) đúng mực, tự tin mỗi khi bị dừng xe làm việc.

Giữ thái độ bình tĩnh khi CSGT yêu cầu dừng xe: Không ít người thường có phản ứng tiêu cực như lo lắng, tức giận, thậm chí quay đầu chạy khi bị CSGT thổi còi. Các phản ứng này càng khiến công an, cảnh sát giao thông thêm nghi ngờ rằng hành vi tham gia giao thông của bạn là bất ổn.

Do đó, khi CSGT yêu cầu dừng xe, bạn nên thật bình tĩnh, giữ thái độ lạc quan khi giao tiếp với CSGT. Vì nguyên tắc làm việc của CSGT là mọi hành động và lời nói đều căn cứ trên pháp luật. Cần trình bày vấn đề của bạn chậm rãi, rõ ràng, giúp quá trình xử lý vụ việc diễn ra nhanh chóng.

Đối với ô tô, khi nhận thấy hiệu lệnh tiến sát, hãy bật đèn dừng khẩn cấp, giảm tốc độ từ từ và quan sát mọi phương hướng. Sau đó mới cho xe vào khu vực CSGT chỉ dẫn, dừng xe vào vị trí an toàn. Còn đối với xe máy, bật xi nhan phải, quan sát thật kỹ rồi tấp vào lề đường, dừng xe vào vị trí theo chỉ dẫn của CSGT.

Am hiểu luật an toàn giao thông đường bộ là cách tốt nhất giúp bạn tự tin giao tiếp khi bị CSGT dừng xe. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)


Giữ nguyên vị trí ngồi khi chờ CSGT đến: Cảm xúc bối rối như cho tay vào túi áo hay tìm kiếm đồ vật trên xe khi bị cảnh sát giao thông dừng xe khiến bạn bị nghi ngờ. Với tình trạng giao thông phức tạp hiện nay trên các tuyến đường cao tốc, CSGT trở nên cảnh giác hơn, nên bất cứ hành động nào của bạn cũng có thể bị coi là đe dọa cảnh sát.

Vì thế bạn nên giữ nguyên vị trí ngồi và tay để yên trên vô lăng, nếu đang đội mũ thì hãy lập tức bỏ ra, hạ kính xuống để cảnh sát thấy rõ mặt. Việc giữ nguyên vị trí chờ cảnh sát đến cũng sẽ giúp bạn quan sát kỹ CSGT đó, từ đó dễ dàng giao tiếp hơn.

Cư xử đúng mực khi giao tiếp với CSGT: CSGT giữ đúng nguyên tắc và cư xử lịch sự với người tham gia giao thông bằng cách đưa tay chào trước khi trao đổi. Thái độ của bạn có thể góp phần thay đổi cục diện cuộc giao tiếp và quá trình xử lý vụ việc sang hướng mềm mỏng hoặc cứng rắn.

Sau khi quan sát và xác định CSGT đủ điều kiện làm việc, bạn cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ. Trong quá trình trình bày với CSGT, cần sử dụng đại từ nhân xưng phù hợp, đúng tên tuổi và cấp bậc với CSGT để chứng tỏ bạn hiểu luật.

Bạn cần tránh cãi lại hay xúc phạm CSGT để tránh gặp rắc rối bị xử phạt thêm tội khác. Nếu phát hiện CSGT có mùi bia, rượu thì kiên quyết không làm việc.

Nhận lỗi nếu CSGT chứng minh đúng lỗi vi phạm: Khi bị CSGT tuýt còi, bạn cần nhớ lại xem bản thân đã chạy xe thế nào, nhận thức rõ lỗi sai và thành khẩn nhận lỗi cũng là cách giúp bạn tạo được thiện cảm. Nếu CSGT chỉ ra đúng lỗi của, hãy nhận lỗi rồi xuất trình giấy tờ và chấp thuận việc xử lý của CSGT.

Nếu bạn thấy lỗi của bạn là vô tình, đó là những lỗi nhẹ, bạn có thể trình bày rõ lý do, CSGT có thể sẽ chỉ nhắc nhở mà không xử lý hành chính. Chính vì thế, sự hiểu biết và cách hành xử đúng mực vừa là cách giúp bạn tuân thủ pháp luật, đồng thời còn giúp bạn tránh những phiền phức không đáng có.

Nếu bạn thấy mình không làm gì sai, bạn cần cẩn trọng với những câu hỏi của CSGT. Bởi nếu không có lời giải thích thỏa đáng, thì lúc này bạn đã phạm luật nhưng cố cãi.

Hiểu rõ luật an toàn giao thông đường bộ: Hiểu rõ luật không chỉ giúp bạn tự tin hơn bảo vệ quyền lợi bản thân, giúp bạn tự tin giao tiếp với CSGT hơn. Và quan trọng hơn cả, hiểu rõ luật an toàn giao thông đường bộ sẽ giúp bạn tham gia giao thông an toàn, văn minh và chuẩn mực hơn.

Nếu có lý do đặc biệt dẫn tới vi phạm hãy trình bày cho CSGT: Nếu gặp phải vấn đề về tâm lý khiến bạn xao nhãng dẫn đến phạm luật như tin buồn, người thân gặp chuyện hay vừa trải qua cú “sốc” lớn, thì bạn rất nên trình bày với CSGT để nhận được sự cảm thông.

Đọc kỹ biên bản vi phạm: Lưu ý việc lập biên bản vi phạm chỉ được thực hiện sau khi bạn đã nghe CSGT thông báo rõ về lỗi vi phạm. Khi lỗi vi phạm mà CSGT đưa ra là đúng thì bạn hãy nhận lỗi và chấp hành đúng các yêu cầu của lực lượng chức năng. Biên bản vi phạm hành chính được lập ít nhất hai bản, một bản giao cho người vi phạm, một bản CSGT giữ lại. Biên bản được ban hành theo đúng mẫu đã quy định, có dấu đỏ, có số thứ tự.

Sau khi biên bản được lập, bạn cần đối chiếu nội dung trong biên bản trình bày lỗi vi phạm có đúng hay không? Nếu chưa đúng thì bạn có thể yêu cầu CSGT sửa lại và họ sẽ ký tên trước khi đưa cho bạn ký. Nếu bạn có ý kiến gì thì bạn có thể ghi ở mục ý kiến của người vi phạm trước khi ký tên. Nếu thấy biên bản có sai sót, bạn có quyền từ chối ký.

Tác giả: CÔNG HIẾU (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP