Giáo dục

Các trường đại học khó tự chủ vì nỗi lo tài chính

Nhiều trường đại học đang thu học phí không được nhiều nên không có khả năng đầu tư cho sự phát triển của trường...

Hiện nay, Việt Nam có 239 cơ sở giáo dục ĐH (trong đó cơ sở giáo dục ĐH công lập chiếm khoảng 75%). Để giảm chi ngân sách Nhà nước và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục ĐH công lập.

Trước khi có Nghị quyết 77, việc tự chủ ở các trường ĐH thực hiện dựa chủ yếu theo hình thức đảm bảo hoạt động chi thường xuyên cho các trường. Từ khi có Nghị quyết 77 đến nay, việc giao quyền tự chủ một cách mở rộng hơn về tài chính, nhân sự, nghiên cứu khoa học, đầu tư cơ sở vật chất... được thực hiện thí điểm ở 15 trường ĐH. Trường được phê duyệt sớm nhất mới triển khai thí điểm được 2 năm, trường muộn nhất được vài tháng.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tự chủ ĐH theo Nghị quyết 77 đã cho thấy một số vấn đề bất cập. Đó là hiện nay đang thiếu văn bản quy định riêng cho các trường tự chủ. Chủ yếu hiện nay, các trường vẫn dựa trên quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Các trường đại học khó tự chủ vì nỗi lo tài chính (ảnh minh họa)

Học phí không tăng được nhiều nên không thể đầu tư phát triển...

Là trường ĐH có uy tín, được xã hội thừa nhận, ĐH Ngoại thương đang thực hiện mô hình tự chủ theo hướng toàn diện.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết, hiện nay, chúng ta còn nhiều trường ĐH trực thuộc các Bộ, ngành, UBND các địa phương. Tuy nhiên, một số Bộ, ngành lại quy định những chính sách, văn bản quy định riêng nên vô hình chung đã hạn chế quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.

Ngoài ra, các trường đã thành lập Hội đồng trường bước đầu xuất hiện một số vấn đề trong phối hợp giữa Hội đồng trường, Ban giám hiệu và Đảng ủy. Vì vậy, gianh giới đến đâu là vừa hợp lý và có thể phát huy vai trò của các tổ chức trong nhà trường là vấn đề cần nghiên cứu thêm.

Một vấn đề khác cần lưu ý là các trường được tự chủ đang đối diện hiện nay là họ vẫn hoạt động dựa trên việc thu học phí của sinh viên nhưng thu vẫn theo mức trần quy định nên không tăng được nhiều và không có khả năng tích lũy để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo đội ngũ giảng viên.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn đề nghị Bộ GD-ĐT cần có tổng kết đánh giá thí điểm tự chủ ở các trường ĐH. Một số khó khăn vướng mắc của các trường ĐH cần được Bộ GD-ĐT và các Bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết kịp thời. Việc thực hiện tự chủ nên cho phép kéo dài thời gian thí điểm đến năm 2020.

Các văn bản quy định của Nhà nước cần được rà soát và đưa ra quy định khác nhau theo mức độ tự chủ của các trường đại học. Cần có nghiên cứu đánh giá đúng về phát huy vai trò của Hội đồng trường trên thực tế, quan hệ giữa Hội đồng trường, Ban giám hiệu và Đảng ủy.

Không nên giới hạn quyền tự chủ của các trường đại học mà thay vào đó thực hiện quản lý và giám sát bằng các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng.

Các cơ quan Nhà nước cũng nên nghiên cứu về miễn thuế cho các trường ĐH tự chủ đối với các khoản thu phí và lệ phí sau khi các khoản này thực hiện theo cơ chế giá theo Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Các cơ quan nên nghĩ tới việc miễn thuế cho các trường đối với những khoản thu lãi ngân hàng để các trường dành kinh phí cho đào tạo và hỗ trợ sinh viên.

Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc

Hiện nay, ĐH An Giang đã có 8 đơn vị được tự chủ. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cho thấy, trường vẫn phải chi trả theo quy định tài chính của Nhà nước, hiệu trưởng chỉ được chi theo quy định cho phép. Đó còn là chưa tính đến việc trường ĐH tự chủ là phải tự quyết về việc nghiên cứu học thuật. Như vậy, mặc dù được phép tự chủ nhưng việc tự chủ bị hạn chế, không được thực hiện một cách đúng nghĩa.

Ông Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng ĐH An Giang kiến nghị, để các trường ĐH sẵn sàng tham gia vào việc tự chủ và hiệu trưởng sẵn sàng chịu trách nhiệm trước mọi hoạt động của nhà trường thì cả hệ thống chính trị và cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc như có những văn bản quy định quyền tự chủ và trách nhiệm rõ ràng.

Có như vậy, nếu hiệu trưởng nào cảm thấy trường mình tự chủ được thì sẵn sàng tham gia, còn nếu trường nào cảm thấy làm được thì tự “rút lui” và trường nào không tuyển được sinh viên vào học thì cũng nên tính đến việc giải thể.

Mặc khác, việc kiểm định chất lượng phải có chế tài mạnh mẽ thì các trường ĐH mới ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc tự chủ./.

Tác giả bài viết: Bích Lan

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP