Google, Facebook được xem là những con "quái vật" trong làng công nghệ với lượng người dùng khổng lồ, đủ sức phi phối ngành Internet thế giới.
Mức độ khổng lồ của Google, Facebook
Tính đến quý III/2017, Facebook có hơn 2,07 tỷ người dùng, tăng 165 so với cùng lỳ năm trước, trong đó có 1,37 tỷ người đăng nhập mỗi ngày và 1,15 tỷ trong số đó là người dùng di động. Lượng ảnh upload mỗi ngày là 300 triệu. Mỗi 60 giây trên Facebook có 510.000 conment đăng tải, 293.000 status được cập nhật và 136.000 ảnh đăng tải.
Trong quý II, Facebook đạt doanh thu 9,32 tỷ USD, tăng 44,7% so với năm ngoái.
|
Trong khi đó, tính đến quý III/2017, Alphabet (công ty mẹ của Google) đạt doanh thu 27,7 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại sự kiện Google I/O (tháng 5/2017), họ công bố nền tảng Android có hơn 2 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng.
Các dịch vụ như Google Maps, YouTube, Chrome, Gmail, Search và Google Play đều có hơn 1 tỷ người dùng. Trong khi đó, các dịch vụ nhỏ hơn như Drive hay Photos đều có lần lượt 800 triệu và 500 triệu người dùng.
Sự bành trướng quá mạnh mẽ của Google, Facebook khiến chính phủ nhiều nước lo ngại và tìm cách đưa ra giải pháp quản lý các doanh nghiệp này. Thực tế, việc yêu cầu Facebook, Google đặt máy chủ hay văn phòng đại diện tại nước sở tại không phải câu chuyện của riêng quốc gia nào. Suốt từ 2012 đến nay, báo chí Ấn Độ nói ra rả về việc chính phủ yêu cầu Facebook, Google đặt máy chủ tại nước này nhưng câu chuyện vẫn chưa có hồi kết.
Theo lý giải của chính phủ Ấn Độ, họ yêu cầu Facebook, Google đặt máy chủ trong nước là để bảo vệ sự riêng tư của công dân mình. “Chính phủ muốn đảm bảo dữ liệu từ Ấn Độ được giữ lại đất nước trên các server địa phương”, trang Next Big What nói. Họ quyết liệt làm điều này sau khi có thông tin về việc chính phủ Mỹ có “cửa hậu” để truy cập dữ liệu lưu trữ bởi 9 công ty lớn, trong đó có Facebook, Google, Microsoft, Apple.
Quản lý Facebook, Google là câu chuyện nan giải của nhiều quốc gia. Ảnh: Reuters. |
Thực tế, câu chuyện “quản” Facebook, Google chỉ xoay quanh 2 vấn đề chính là thuế và dữ liệu người dùng. Ở cả 2 vấn đề này, chính phủ nhiều nước đều đang gặp khó với những ông lớn này. Thậm chí, ngay cả chính phủ Mỹ cũng tỏ ra e ngại với vòi bạch tuộc của các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, Amazon.
Mỹ cũng không 'quản' được dữ liệu trên Facebook, Google
Tháng 6/2013, giới công nghệ cũng như chính phủ nhiều nước xôn xao khi 2 tổ chức ẩn danh tung ra báo cáo khẳng định 9 hãng công nghệ lớn hợp tác với chính phủ Mỹ trong một chương trình gián điệp. Theo đó, FBI và NSA được quyền truy cập “trực tiếp” vào server trung tâm của các công ty này và theo dõi người dùng theo thời gian thực.
Câu chuyện được thêm mắm thêm muối khi các báo cáo này khẳng định những công ty như Google, Facebook, Apple, Yahoo, Microsoft tình nguyện mở server để chính phủ theo dõi cũng như các điệp viên làm bất cứ việc gì họ muốn.
Thực tế không phải vậy. Các ông lớn này tỏ ra vô cùng cứng rắn trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng, ít nhất là trước chính phủ. Sự việc Apple nhất quyết không tạo phần mềm cho phép FBI truy cập vào chiếc iPhone 5C của kẻ sát nhân tại San Bernardino năm ngoái là minh chứng rõ ràng. FBI sau đó phải chi cả triệu USD để nhờ một tổ chức khác mở khóa chiếc điện thoại này.
Những công ty này xác nhận họ chỉ cung cấp các thông tin cụ thể, phục vụ việc điều tra của chính quyền khi có yêu cầu cụ thể theo đúng luật pháp. Theo điều tra của Business Insider, không có chuyện chính phủ có quyền truy cập vào server của Facebook, Google theo thời gian thực.
Câu chuyện thuế còn gian nan hơn
Nhiều năm nay, Liên minh châu Âu chơi trò “mèo đuổi chuột” với Facebook, Google và không thể thành công trong việc truy thu đủ số thuế mà họ yêu cầu. Đa phần các ông lớn công nghệ đến từ Mỹ này đều kinh doanh trên đất châu Âu nhưng tiền thì đổ về Mỹ. Đây là điều khó quốc gia nào chấp nhận.
Trong các động thái mới nhất, cách đây 2 tháng Liên minh châu Âu vừa đề xuất một quy định mới về thuế dành riêng cho các công ty công nghệ, nhằm tăng cường sự quản lý, mà thực chất là tăng thu từ các công ty nước ngoài không có văn phòng, shop hoặc hiện diện chính thức tại một nước nhưng phát sinh lợi nhuận từ một lượng lớn người dùng và khách hàng online.
Sự bành trướng của các hãng công nghệ này khiến nhiều chính phủ lo ngại. |
Theo The Guardian, những công ty như Facebook, Google hiện chỉ trả khoảng 10,1% thuế tại EU, trong khi các công ty truyền thống phải trả 23,2%. Chẳng hạn tại Anh, hóa đơn thuế của Amazon nhỏ hơn 11 lần so với một cửa hàng bán sách truyền thống. Tại Ireland, Apple trả 0,005% thuế vào năm 2014, trong khi mức trung bình là 12,5%.
Làm cách nào để ngăn ngừa sự bành trướng của Facebook, Google cũng là câu chuyện đã được đặt ra. Ngay những ngày đầu tháng 11, người Mỹ thậm chí đưa ra một ý tưởng có phần “điên rồ” là cấm Facebook, Google hay Amazon thâu tóm những doanh nghiệp khác kinh doanh trong cùng một lĩnh vực.
Để có quy mô khổng lồ như ngày nay, Facebook từng chi 1 tỷ USD để mua lại Instagram - mạng xã hội chia sẻ hình ảnh, hay WhatsApp - ứng dụng nhắn tin với giá 19 tỷ USD. Google cũng từng mua lại YouTube năm 2006 với giá 1,65 tỷ USD. Cách đây vài năm, gần như mỗi tuần người ta đều phát hiện ra một vụ mua lại thương hiệu khác từ Google.
Tác giả: Đức Nam
Nguồn tin: Báo Zing