Tin địa phương

Các Nhà báo Trung ương tìm hiểu về xây dựng NTM ở tỉnh Quảng Bình

Trong 2 ngày 16, 17/4/2018, Đoàn nhà báo gồm đại diện BBT, PV một số cơ quan ngôn luận củaTrung ương do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã về tỉnh Quảng Bình tìm hiểu việc triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (còn gọi là tam nông) và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM)

Toàn cảnh buổi làm việc của các nhà báo với tỉnh Quảng Bình

Đoàn đã có chuyến tham quan, nắm bắt tình hình thực tế ở xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch,) sau đó có buổi làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết “tam nông” và XDNTM.

Sau 10 năm thực hiện nghị quyết 26 của TW, vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được nâng lên một bước. Lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển nhanh, tương đối toàn diện ở các lĩnh vực. Tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước; bảo đảm được an ninh lương thực; nhiều sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa như cao su, sắn, gỗ dăm, thủy sản; kinh tế hợp tác xã, trang trại được quan tâm phát triển, nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi đã xuất hiện. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 của tỉnh đạt 22 triệu đồng, (tăng gấp 4 lần so với năm 2008), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,48%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2017 đạt 40% (tăng 21% so với năm 2008), 52 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 38,2% số xã) tỷ lệ số xã dưới 10 tiêu chí còn 11%...

Tham quan các mô hình làm chiếu cói của anh Trần Hữu Trung

Tuy vậy, việc triển khai thực hiện theo tinh thần của nghị quyết còn một số vướng mắc như: Huy động nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế. Chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ và chưa trở thành phong trào. Tư duy của người dân về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá chưa mạnh; các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn chậm đổi mới và hiệu quả chưa cao. Kinh tế hộ vẫn là chủ yếu, mang nặng tính tự cung, tự cấp, khó tiếp cận với các chính sách hiện hành. Tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội ở một số địa bàn còn diễn biến phức tạp. Một số địa phương chưa chú trọng đến hoạt động duy tu, bảo dưỡng, vận hành các công trình sau đầu tư nên bị xuống cấp.

Sau khi nghe báo cáo của đại diện các sở, ngành của tỉnh, các nhà báo đề nghị tỉnh thông tin thêm thành một số nội dung liên quan, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Tất Thắng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Quảng Bình trong vấn đề “tam nông” và xây dựng NTM.

Thăm mô hình trồng nấm của anh Trần Chính Niệm ở thôn An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình)

Đồng chí nhấn mạnh, thời gian tới, Quảng Bình cần đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động cộng đồng người dân, doanh nghiệp tham gia XD NTM, trong đó, cần nâng cao các tiêu chí đối với những xã đã đạt chuẩn NTM và có biện pháp sớm khắc phục nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Ngoài ra, tỉnh cần tập trung quy hoạch vùng lưu trú trong thôn, xã để giữ chân du khách, nhất là khách quốc tế.

Mô hình làm rượu truyền thống của thôn Trung Lộc, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Phan Văn Khoa cảm ơn và tiếp thu những ý kiến của các nhà báo và lãnh đạo VPĐP NTM Trung ương. Thời gian tới, Quảng Bình tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế trong việc triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW, trong đó, tập trung phát triển các cây trồng, các chuỗi sản phẩm chủ lực để nâng cao đời sống cho nông dân và phục vụ cho du lịch. Mặt khác, tỉnh sẽ tập trung triển khai công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho người dân, nhất là các kỹ năng để trở thành hướng dẫn viên du lịch và phát triển loại hình du lịch tại nhà…

Tác giả: Trần Phong

Nguồn tin: Báo điện tử Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP