Kinh tế

Cá tra sập bẫy thương lái Trung Quốc

Sau khi đẩy giá mua cá tra ở ĐBSCL lên 23.000-24.000 đồng/kg, thương lái Trung Quốc bỗng dưng “mất tích” khiến người nuôi như ngồi trên đống lửa

Theo nhận định của các chuyên gia thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhưng chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là giá cả luôn bất thường.

Loại nào cũng mua

Cách đây hơn 5 tháng, nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL hết sức phấn khởi vì được thương lái Trung Quốc tìm đến tận ao thu mua với giá 23.000-24.000 đồng/kg, bất kể lớn nhỏ. Nếu so với giá thành, người nuôi cầm chắc lãi 2.000- 3.000 đồng/kg.

10 chot 1474814963196
Người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang bế tắc đầu ra Ảnh: THỐT NỐT

Ông Nguyễn Văn Thiện (xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết: “Người nuôi vui mừng vì lúc đó, giá cá rớt thê thảm. Những hộ nuôi còn cả trăm tấn cá quá lứa thì như bắt được vàng khi thấy thương lái đến hỏi mua với giá cao. Thông thường, cá quá lứa không thể chế biến xuất khẩu, chỉ có thể tiêu thụ ở các chợ với giá thấp. Tôi không hiểu vì sao họ thu mua hết sạch, thậm chí không cần lấy mẫu cá đưa đi thử nghiệm như các doanh nghiệp (DN) trong nước”.

Do thấy tiêu thụ dễ, giá cao nên nhiều người vay vốn, thả cá nuôi lại. Thế nhưng, gần đây, những ai đang còn cá đến kỳ thu hoạch trong ao như ngồi trên đống lửa vì chẳng thấy thương lái Trung Quốc đến mua. Nhiều người không thể chờ thêm phải bán cá cho thương lái trong nước với giá 16.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ nhiệm HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng (tỉnh Hậu Giang), giá cá hiện được thương lái mua tại HTX chỉ 18.500-19.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất đến 21.000 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng.

Doanh nghiệp vạ lây

Một chủ DN ở An Giang cho biết vào thời điểm đó, DN này không thể mua được cá tra nguyên liệu vì không thể cạnh tranh với thương lái Trung Quốc. Vì vậy, một số DN chuyển sang gia công cho thương lái Trung Quốc để giữ công nhân.

“Ngay cả cá nguyên liệu đang tồn kho cũng được thương lái Trung Quốc mua để xuất qua đường tiểu ngạch bằng hình thức thanh toán gối đầu. Thế nhưng, chỉ sau vài lần làm ăn đàng hoàng, họ bắt đầu giở chứng, dây dưa không chịu thanh toán nợ rồi chuyển sang DN khác mua tiếp. Trong khi đó, DN trong nước cứ tranh nhau bán phá giá. Nắm bắt được tâm lý này, thương lái Trung Quốc càng dễ ép giá, kéo dài thời gian thanh toán tiền mua cá. Nếu nhà nước không có cách ngăn chặn tình trạng này, không chỉ DN trong nước mà người nuôi cá cũng bị thiệt hại, khó giữ được nghề” - chủ DN nêu trên lo ngại.

Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hùng Cá, gần đây, DN của ông không xuất khẩu cá tra sang Mỹ mà tập trung vào thị trường Trung Quốc. Ông Hùng thừa nhận đây là thị trường lớn, tiêu thụ dễ dãi nhưng cũng đầy thách thức do giá thấp, lợi nhuận ít. “Sở dĩ có tình trạng DN bán đổ bán tháo cá là do họ cần tiền trả nợ ngân hàng chứ chưa hẳn phá nhau. DN xuất khẩu cá tra cần được nhà nước hỗ trợ vốn như các DN thu mua tạm trữ lúa gạo mới tồn tại được” - ông Hùng kiến nghị.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - nhận định cá không kịp tiêu thụ sẽ trở thành quá lứa thì giá chỉ còn 17.500 đồng/kg.

Ông Lê Chí Bình - Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang - nhìn nhận xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… chưa có tín hiệu khả quan nên chủ yếu vẫn xuất sang Trung Quốc nhưng với giá thấp. “Người nuôi cá nhỏ lẻ khó còn đất sống nếu như không liên kết với DN. Tình hình xuất khẩu cá tra trong năm 2016 này được dự báo là hết sức khó khăn so với năm ngoái” - ông Bình nhấn mạnh.

Cẩn trọng với chiêu giảm chất lượng

Ông Ông Hàng Văn, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), cho biết việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc của DN này vẫn tốt nhưng cẩn trọng như khuyến cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) là cần thiết, nhất là những DN lần đầu khai thác thị trường này. Thị trường Trung Quốc thường có rủi ro về thanh toán do chữ tín không được tôn trọng. Kinh nghiệm của ông Văn là phải thận trọng trong việc chọn đối tác và dứt khoát không bán nợ.

Theo nhiều DN, khi bán hàng qua Trung Quốc cần cẩn trọng với thủ đoạn gian lận chất lượng. Ví dụ, hợp đồng ghi mạ băng 20% nhưng thương lái bảo tăng lên 25% để ăn chia phần gian lận. Do bao bì vẫn ghi mạ băng 20% nên DN Việt nắm “đằng lưỡi” khi xảy ra tranh chấp.

Theo dự báo của VASEP, năm 2016, cá tra xuất khẩu ước đạt kim ngạch 1,65 tỉ USD, tăng trưởng 6%. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là thị trường Trung Quốc. Thống kê đến ngày 15-8 cho thấy thị trường này đạt giá trị 154,8 triệu USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, VASEP khuyến cáo các hộ nuôi cũng như DN thận trọng, cần đánh giá đầy đủ hơn về cung - cầu, sản lượng nuôi thực tế để cân đối đơn hàng. Ng.Ánh

Tác giả bài viết: THỐT NỐT - CA LINH

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP