Chia sẻ với VnExpress, ca sĩ Hà Văn Đông cho biết, mới đây anh đến một chi nhánh Vietcombank tại TP HCM để mở thẻ ATM (có đi cùng người em trai), nhưng ngân hàng từ chối và yêu cầu phải có người giám hộ vì cho rằng người khiếm thị thiếu hành vi năng lực.
Ngoài ra, Đông cho rằng ngân hàng còn áp dụng một số điều kiện mà theo anh là vô lý. Cụ thể, nhà băng yêu cầu Đông chỉ được giao dịch tại chi nhánh nơi mở thẻ và mỗi lần giao dịch phải đi cùng người giám hộ và có chữ ký của người đó. Đồng thời, ngân hàng còn khống chế mỗi lần giao dịch không quá 10 triệu đồng, một tuần giao dịch không quá 5 lần; không sử dụng Internet Banking và không rút tiền tại máy ATM.
Ngân hàng cho biết để đảm bảo lợi ích và tránh rủi ro, nên tạm thời nhà băng chưa cung cấp cho khách hàng là người khiếm thị các dịch vụ ngân hàng điện tử, thẻ. |
Sau đó, anh có đến một chi nhánh khác của Vietcombank thì chung cách xử lý như trên.“Khi tôi hỏi tại sao lại áp dụng những điều kiện như vậy với người khiếm thị thì phía ngân hàng cho biết tất cả điều trên đều được làm thành quy trình và có hiệu lực từ tháng 6/2017”, anh nói và cho rằng, cách hành xử của ngân hàng với người khiếm thị như vậy là không công bằng, có sự "phân biệt đối xử" cũng như vi phạm đến quyền dành cho người khuyết tật.
Trước vấn đề này, đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng đang thực hiện cung cấp dịch vụ tài khoản cho tất cả khách hàng là người khiếm thị có nhu cầu về tài khoản giao dịch tại nhà băng.
Riêng với một số dịch vụ ngân hàng điện tử cần sử dụng các thông tin bảo mật (tài khoản, mật khẩu, mã xác thực giao dịch) thông qua thiết bị điện tử như dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking và dịch vụ thẻ, để hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng, Vietcombank tạm thời chưa cung cấp cho khách hàng là người khiếm thị khi các thiết bị giao dịch điện tử chưa có phần mềm hỗ trợ người khiếm thị thực hiện giao dịch.
Đại diện nhà băng cũng cho biết thêm, Vietcombank đang nghiên cứu để sớm đưa ra cơ chế cung ứng dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử nhằm hỗ trợ tất cả khách hàng là người khuyết tật có thể thực hiện đầy đủ các giao dịch ngân hàng trên các kênh, tạo thuận lợi và tiện ích tối đa đồng thời đảm bảo an toàn và bảo mật cho khách hàng trong mọi giao dịch ngân hàng.
Liên quan đến câu chuyện trên, Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM nhìn nhận, nếu thực sự có việc nhân viên ngân hàng từ chối mở thẻ cho người khiếm thị và yêu cầu phải có người giám hộ thì không đúng. Bởi quy định của Luật dân sự 2005, những người khuyết tật bị khiếm thị này không nằm trong diện mất hoặc không có năng lực hành vi dân sự.
Cụ thể, luật quy định người dưới 18 tuổi, bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể ý thức, làm chủ được hành vi (đã được toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự), người nghiện ma tuý, nghiện chất kích thích mới là những người không có hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Trong khi đó, quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng không liệt người khuyết tật khiếm thị vào diện những đối tượng không được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. "Chỉ khi nào Tòa án tuyên bố người nào đó mất năng lực hành vi dân sự thì mới kết luận họ mất năng lực hành vi dân sự và ngân hàng mới từ chối giao dịch hoặc bắt buộc có người giám hộ”, ông Tín nói.
Còn đối với những người bị khuyết tật như khiếm thị, Tiến sĩ Tín cho rằng ngân hàng phải có quy trình riêng. Chẳng hạn khi làm thủ tục mở thẻ, chỉ cần có người hỗ trợ (không cần phải là người giám hộ) họ để đọc giúp nội dung trong các giấy tờ, văn bản liên quan cũng như làm chứng về việc khách hàng giao dịch thật là đủ.
“Những người khiếm thị hoàn toàn đủ ý chí, nhận thức về việc họ làm nên không có lý do gì lại từ chối giao dịch hoặc là bắt họ phải có người giám hộ”, ông Tín nói và cho rằng, trong hồ sơ giao dịch thì ngân hàng ghi rõ tình trạng khách hàng như thế nào, phải đảm bảo chữ ký ra sao (có thể lăn dấu vân tay thay chữ ký) và cam kết về việc bảo mật....
Tác giả: Thanh Lê
Nguồn tin: Báo VnExpress