Sáng nay, trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Xuân Học - Chi cục phó Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết, ông cùng cán bộ đã trực tiếp xuống hiện trường ghi nhận tình trạng cá chết dọc bờ biển, tìm hiểu từ người dân ven biển và lấy mẫu cá, nước gửi ra Viện Thủy sản 1 Hà Nội kiểm tra.
Cá chết kéo dài trên nhiều km dọc bờ biển Diễn Châu và TX Hoàng Mai. (Ảnh chụp trưa 12/5)
Theo ông Học, hiện tượng cá chết là có thật, nhiều hơn bình thường mà người dân hàng năm ở vùng biển này chứng kiến.
''Ngày 8/5, đoàn chúng tôi đã đến hiện trường lấy mẫu nước, mẫu cá gửi đi kiểm tra nhưng chưa có kết quả. Cá chết là cá lù đù chỉ to bằng 2 ngón tay. Ngoài ra không phát hiện loại cá nào khác. Chúng tôi nhặt được khoảng 20kg cá đã chết'' - ông Học cho hay.
Loài cá lù đù chết dạt bờ biển huyện Diễn Châu, được cán bộ Chi cục Thủy sản Nghệ An thu nhặt, lấy mẫu gửi đi kiểm tra. (Ảnh do Chi cục Thủy sản Nghệ An cung cấp)
Thông tin từ người dân địa phương có cá chết ở xã Diễn Thịnh và Diễn Thành cho biết, hàng năm vào dịp này đều xuất hiện cá lù đù chết dạt bờ biển. Người dân vẫn vớt về phơi khô hoặc làm thức ăn cho gia súc.
Ông Hoàng Linh (50 tuổi, trú tại xã Diễn Thành) cho biết thêm: “Nếu tắm thời điểm này thì rất ngứa. Không ai dám tắm”.
Chiều chiều, ông Hoàng Linh lại đi nhặt cá ven bờ biển
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng Phòng NN&PTNT Diễn Châu thông tin, hiện tượng cá lù đù chết được người dân ven biển phát hiện từ ngày 7/5 và đến nay vẫn còn. Loài cá này, ngư dân ven biển thường đánh bắt về làm nước mắm.
Theo ông Hiếu, cá chết dạt vào bờ biển xuất hiện từ bãi biển Diễn Thành đến Diễn Trung kéo dài khoảng 10km và cứ khoảng 3 đến 5m xuất hiện một con cá chết.
Cá chết dạt từ tàu cá bị chìm?
Trưa nay, PV VietNamNet đã có mặt tại bờ biển các xã Diễn Hải, Diễn Trung, Diễn Thành, một số người dân cho biết, nguyên nhân cá chết dạt bờ mấy hôm nay có thể là do khoảng 10 ngày trước có một tàu đánh cá bị chìm, cá trên tàu bị trôi ra biển.
Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Thành (chủ tàu cá bị chìm trưa 2/5) cho biết, thời điểm tàu cá bị sóng đánh chìm trên tàu có khoảng 2,6 tấn cá. Ông và các thuyền viên vớt lại được khoảng 1 tấn, số còn lại trôi dạt ra biển.
''Tàu khi đó mắc cạn trong lạch, sóng lớn đánh vỡ tàu nên cá trôi dạt ra biển. Tàu bị nát hết, tôi bị thiệt hại khoảng 80 triệu đồng'', ông Thành nói.
''Hiện tượng cá chết dạt bờ đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân, tuy nhiên, việc tàu đánh cá bị chìm, cá từ tàu bị trôi dạt vào bờ cũng là một trong những yếu tố cần xem xét. Cần nói rõ là chỉ có một loài cá chết, chưa phát hiện các loài các khác...'' - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu nói.
Cũng theo ông Hiếu, các mẫu cá và nước đo nồng độ PH (độ a xít hay độ chua của nước) vẫn bình thường. Tôm là loài nhạy cảm với nguồn nước, nhưng người dân nuôi tôm ở ven biển Diễn Trung và Diễn Hải vẫn bơm nước biển vào đầm bình thường.
Cũng theo ông Hiếu, các mẫu cá và nước đo nồng độ PH (độ a xít hay độ chua của nước) vẫn bình thường. Tôm là loài nhạy cảm với nguồn nước, nhưng người dân nuôi tôm ở ven biển Diễn Trung và Diễn Hải vẫn bơm nước biển vào đầm bình thường.
Tác giả bài viết: Quốc Huy - Văn Bình