Pháp luật

Bỗng dưng gánh nợ 500 triệu từ Vietcombank: Khách hàng có thể khởi kiện

Liên quan đến sự việc bỗng dưng gánh khoản nợ 500 triệu đồng từ ngân hàng Vietcombank, theo giới luật sư, nếu khách hàng chứng minh được thiệt hại về tài sản, uy tín thì hoàn toàn có thể khởi kiện Vietcombank chi nhánh Hải Dương để yêu cầu bồi thường.

Như báo Người Đưa Tin đã thông tin, theo phản ánh của anh Vũ Thế V. (36 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), ngày 28/9, anh có tới ngân hàng TMCP hàng hải Việt Nam (Maritimebank) để làm thủ tục vay vốn. Tại đây, nhân viên ngân hàng yêu cầu anh V. cung cấp số CMND để họ tra cứu trên Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam.

Sau quá trình tra cứu, nhân viên ngân hàng cho biết, anh V. có vay một khoản tiền (khoảng 500 triệu đồng) từ năm 2013, đến nay đã trả được hơn 400 triệu từ Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hải Dương. Anh V. vô cùng sửng sốt, bởi trước đó anh chưa từng mở thẻ tín dụng hay vay vốn từ ngân hàng Vietcombank.

Trước thắc mắc của khách hàng, nhân viên ngân hàng Maritimebank đã gửi cho anh V. bản tra cứu thông tin thẻ tín dụng. Quả thực, trong bản tra cứu này, số CMND của anh V. mang số hiệu 142005331 bất ngờ được sử dụng cho một khách hàng khác mang tên Lương Đình Tuấn. Dù đã giải thích rất rõ là mình chưa từng vay tiền từ ngân hàng Vietcombank, tuy nhiên nhân viên ngân hàng Maritimebank đã từ chối cho anh V. vay vốn vì cho rằng anh đang vay tiền của ngân hàng khác.

Số CMND của anh V. được sử dụng để đăng ký cho khách hàng Lương Đình Tuấn vay tiền của ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hải Dương.

Bức xúc, anh V. đem thắc mắc gửi tới ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hải Dương và nhận được câu trả lời, nhân viên ngân hàng đã đánh máy nhầm số CMND của anh trong quá trình làm thẻ cho anh Lương Đình Tuấn.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nguyên (đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) phân tích: Trường hợp này có thể hiểu là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Rõ ràng Vietcombank chi nhánh Hải Dương đã có hành vi xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của anh V. Cụ thể là đánh số CMND của anh V. cho khoản vay của người khác.

Theo phân tích của LS Nguyên, nếu anh V. chứng minh được những thiệt hại về tài sản, cụ thể là giá trị hợp đồng bị mất do không vay kịp tiền... hoặc thiệt hại về uy tín với bản thân hoặc gia đình thì anh V. hoàn toàn có thể khởi kiện Vietcombank chi nhánh Hải Dương ra toà án để yêu cầu bồi thường.

“Anh V. có thể áp dụng các điều khoản của Bộ luật Dân sự 2015 để khởi kiện, như Điều 584, 585, 589, 600 và các quy định khác liên quan”, LS Nguyên viện dẫn.

Luật sư Nguyên cũng đặt giả thiết trong trường hợp chứng minh được nhân viên của Vietcombank chi nhánh Hải Dương cố tình đánh sai số CMND vì mục đích khác. Ví dụ, để anh Tuấn có thể vay được nhiều tiền tại các ngân hàng khác và chia lại cho nhân viên Vietcombank chi nhánh Hải Dương...

Điều này không chỉ gây thiệt hại cho anh V. mà cho cả ngân hàng. Anh V. có thể làm đơn tố cáo nhân viên này có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một điểm đáng chú ý, tại sao trong quãng thời gian nhầm lẫn từ năm 2013 đến nay, khách hàng Lương Đình Tuấn không có phản hồi gì với ngân hàng? Dù sự việc diễn ra trong khoảng thời gian khá dài nhưng phía ngân hàng không hề hay biết.

Nhìn nhận về điều này, LS Nguyên cho hay: “Vietcombank chi nhánh Hải Dương và nhân viên tại đây đã rất tắc trách vì trong quá trình giải ngân, các lần anh Tuấn trả nợ, ký khế ước nhận nợ... đã ko kiểm tra, đối chiếu lại số CMND của anh Tuấn. Đây là lỗi chủ quan, vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp trong hoạt động tín dụng”.

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.

Tác giả: Hoàng Anh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP