Ngày 6/3, tại cuộc họp về việc xây dựng định mức đầu tư mới một km đường bộ, Thứ trưởng Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng, yêu cầu làm mẫu một km đường để xác định định mức là không thể tiến hành được, "chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm nhưng làm như thế chỉ lãng phí và mất thời gian”.
Theo ông Khánh, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng để thực hiện nhiệm vụ được giao với hình thức khoa học và tiệm cận thực tế nhất.
Bộ Xây dựng tính bình quân suất đất tư cao tốc 4 làn xe là 122 tỷ đồng mỗi km. Ảnh: P.V |
Ông Lê Văn Cư - Viện trưởng Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, từ năm 2016 Thủ tướng đã chỉ đạo hai Bộ trên tổ chức thí điểm một km đường cao tốc, trên cơ sở đó thống nhất định mức dự toán và chi phí công trình các các dự án cao tốc; chống thất thoát, lãng phí.
Theo ông Cư, chỉ đạo của Chính phủ được đưa ra sau khi có dư luận về việc suất đầu tư cao tốc của Việt Nam cao hơn thế giới và chênh lệch giữa các dự án rất khác nhau. Tuy nhiên, qua tính toán của Bộ Xây dựng, hiện suất đầu tư cao tốc Việt Nam trung bình là 122 tỷ đồng cho mỗi km 4 làn xe, "không phải cao so với thế giới".
Ông Cư cũng cho biết, 2 năm qua, "các cơ quan chức năng loay hoay chưa đưa ra phương án làm mẫu một km cao tốc, vì việc đầu tư mới sẽ tốn kém hàng trăm tỷ đồng và không có nhà thầu nào đồng ý ngắt ra một km tuyến đường đang làm để thí điểm".
Ngoài ra, việc xây dựng định mức này làm chuẩn là khó khả thi vì nhiều dự án có định mức khác nhau dựa trên phương pháp thi công, địa hình.
"Trước mắt, chúng tôi sẽ rà soát, bổ sung các cơ chế hiện có và đưa thêm số liệu vốn đầu tư cho các dự án có địa hình khác nhau. Lâu dài sẽ kiến nghị Thủ tướng làm thí điểm các dự án tại 3-4 vùng khác nhau để làm chuẩn. Dự kiến chi phí cho việc này lên tới hàng nghìn tỷ đồng", ông Cư nói.
Chuyên gia xây dựng Trần Hồng Mai cũng nhận định, suất đầu tư cao tốc ở Việt Nam không cao so với thế giới. Hơn nữa, nhiều nước xây dựng cao tốc bám theo đường đồng mức nên không đội chi phí. Còn ở Việt Nam, nhiều dự án tăng chi phí đầu tư do phải xử lý thêm các hạng mục như đắp đất, xử lý nền đất yếu, làm cầu cạn; nhiều đường ngang, cống hộp phục vụ dân sinh...
"Không nước nào làm thí điểm một tuyến đường để làm đơn giá chuẩn mà dựa theo tính toán thông số từng dự án cụ thể", ông Trần Hồng Mai nói.
Suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam trong so sánh với các nước |
Theo Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể, việc xác định suất đầu tư đường bộ cao tốc sẽ được khẩn trương thực hiện trong năm 2018 trên nền tảng những dự án đường cao tốc đã hoàn thành.
"Chúng ta không thể làm mẫu một km để xác định suất đầu tư mà sẽ lựa chọn một vài gói thầu mang tính đại diện, không có cầu, ít cống trên các tuyến cao tốc để xem xét, tính bình quân suất đầu tư cho một km", ông Thể nói.
Lãnh đạo ngành giao thông cũng cho biết, sắp tới, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ về suất đầu tư dự án cao tốc căn cứ vào đặc thù vùng miền, địa chất, thủy văn khác nhau như: Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, TP HCM – Trung Lương, để qua đó Chính phủ thấy được bức tranh đơn giá, định mức của ngành giao thông được quản lý chặt chẽ nhưng suất đầu tư khác nhau vì vùng miền đa đạng.
Tác giả: Đoàn Loan
Nguồn tin: Báo VnExpress