|
Đọc câu chuyện của chị, đúng là tình huống không ai muốn, oái oăm dở khóc dở cười. Thế nhưng nếu có trách thì chỉ là bố chị và chị hơi thiếu tế nhị trong cách ứng xử, chứ không có lý do gì để chị trách móc hay hờn dỗi chồng chị trong trường hợp này.
Trước hết, hãy cứ đặt mình vào vị trí của chồng chị. Với anh ấy, chị là người phụ nữ đầu tiên. Khi lấy nhau, anh ấy biết chị đã từng yêu một người, chứng kiến chị trải lòng về nỗi đau bị phản bội. Anh ấy đón nhận chị, không hề nhắc lại chuyện quá khứ. Nhưng tự trong tâm thức anh ấy vẫn luôn lo lắng “có phải người ta rất khó quên mối tình đầu”.
Anh ấy là chồng chị, lần đầu tiên cùng vợ con về ngoại ăn tết đoàn viên. Vừa vào tới nhà đã thấy bố vợ thân tình với người cũ của vợ. Đã vậy lại còn giới thiệu rất vô duyên, rằng vì chị và người cũ lỡ duyên nên anh mới có phần gặp chị. Là đàn ông, nghe câu nói đó, mười phần thì đến chín phần tự ái.
Bố chị thiếu tính ý, thiếu tế nhị đã đành. Còn chị là người trong cuộc, bắt đầu đã thấy bối rối, đã thấy giận bố vì vô duyên, cuối cùng lại biến mình thành vô duyên không kém. Đáng lẽ chị nên “có lời” với bố, đồng thời khéo léo để người cũ ra về trước bữa cơm. Đằng này lại để tình huống kéo dài thêm ra.
Cứ tưởng tượng cảnh chồng chị ngồi như người thừa trong bữa ăn, khi bố vợ và người cũ của vợ vui vẻ hàn huyên chuyện năm xưa của vợ mình. Hãy đặt mình vào tâm trạng của chồng chị, khi còn ngần ngừ không muốn bắt tay đối phương lại thấy vợ mình nhanh nhẹn đưa tay cho người xưa nắm chặt. Đã vậy lại còn hỏi han chuyện hạnh phúc, còn bế con mình cưng nựng, vừa nựng con vừa khen ngợi tình cũ. Nói thật, bất cứ một người có nhận thức bình thường đều thấy khó chịu, đừng nói là chồng chị trong tình cảnh đó.
Chị cũng biết chồng mình xưa nay vốn không ghen, vậy mà nay lại giở thói móc mỉa những điều khó nghe, chứng tỏ là anh không chấp nhận được thái độ của mọi người. Trong cuộc gặp gỡ ngoài ý muốn đó, chị hoàn toàn có thể lái câu chuyện theo chiều hướng khác, không chỉ là cùng chồng ngồi im lặng trong bữa cơm, không vì sợ người cũ cảm thấy bẽ mặt mà quên rằng chồng mình sẽ cảm thấy thế nào sau cái nắm tay của vợ.
Đồng ý rằng tình huống kia chẳng ai muốn. Nhưng cho đến cuối cùng, điều tôi nhận thấy và có lẽ cũng là điều chồng chị nhận thấy là chị vẫn quan tâm đến cảm xúc của người cũ hơn là cảm xúc của chồng mình, ấy mới là điều đáng giận nhất ở chị. Anh ấy có lý do để tức giận, có lý do để trách móc. Và chị cũng nên nhìn nhận lại để biết mình không đúng chỗ nào.
Với tư cách là một người đàn ông, tôi cho rằng chồng chị đã cố gắng kiềm chế cảm xúc rất tốt để không làm mất lòng bố vợ, không để người cũ và vợ cảm thấy khó chịu. Nói cho nhanh là anh ấy đã cố gắng để không làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Và chị là vợ anh ấy, nên cảm kích vì điều đó, để hiểu chồng mình hơn, tôn trọng anh ấy hơn chứ không phải biến anh ấy thành một người lắm chuyện.
Hãy giả sử một ngày đẹp trời nào đó, chị đang vui vẻ cùng chồng con về thăm nhà nội. Vừa bước chân vào nhà, thấy người yêu cũ của chồng đang được bố mẹ chồng tiếp chuyện thân tình vui vẻ. Rồi họ giữ cô ấy lại ăn cơm, vừa ăn vừa nhắc chuyện ngày xưa. Rồi cô ấy nắm tay chồng chị, rưng rưng hỏi “Anh có hạnh phúc không”, rồi cô ấy ôm con chị cưng nựng “con xinh đẹp giống bố nè”, tôi nói thật chị không điên lên mới lạ. Vậy nên trước khi suy xét thái độ chồng chị, chị nên suy xét lại mình đã. Người khôn không phải là biết chỉ cái sai của người khác mà là biết rõ vì sao mà người ta sai.
Tác giả: Trần Ngọc
Nguồn tin: Báo Dân trí