Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, các nhóm vấn đề đặt ra trong phiên chất vấn xác đáng, đang được dư luận quan tâm, đòi hỏi. |
Trong khuôn khổ phiên họp thứ 13, UB Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp. Bộ trưởng Xây dựng là vị tư lệnh ngành được chọn “lên ghế nóng” lần này.
Tham gia phiên chất vấn có Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực – ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.
UB Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chuẩn bị để tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan, theo dự kiến chương trình.
Trong báo cáo phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết một số kết quả về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
Theo đó, về xây dựng thể chế thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được hình thành đồng bộ và cơ bản đáp ứng yêu cầu điều chỉnh thống nhất các hoạt động lập và quản lý quy hoạch.
Đến nay đã có 16 đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh (vùng kinh tế xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn và vùng đặc thù) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (tương đương 63 đồ án quy hoạch, 30% đang tổ chức lập điều chỉnh). 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt (tương đương 805 đồ án). Quy hoạch phân khu khu vực đô thị đạt trung bình khoảng 75%, quy hoạch chi tiết đạt trung bình khoảng 35%, tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99% (8926 xã).
Bộ trưởng Xây dựng báo cáo, đây là kết quả của việc đổi mới công tác quy hoạch xây dựng, linh hoạt trong xác định mục tiêu, định hướng, chú ý nhiều hơn đến yếu tố thị trường để cập nhật phục vụ việc lập quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch kịp thời. Nhiều quy hoạch xây dựng đã bám sát với tình hình thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển, đồng thời cũng là căn cứ để xây dựng các kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm.
Về phát triển đô thị, báo cáo cho biết, tính đến hết tháng 5/2017 dân số đô thị toàn quốc đạt khoảng 33 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 37,0%. (so với 23,7% năm 1999), mật độ dân số đô thị trung bình là 1.888 người / km2. Diện tích đất toàn đô thị là 43.792 km2 chiếm 13,2% diện tích đất tự nhiên toàn quốc, trong đó diện tích đất khu vực nội thị là 18.766,66 km2 chiếm 5,67% diện tích đất tự nhiên toàn quốc.
Tổng số đô thị cả nước là 805 đô thị (tăng thêm 8 đô thị loại 5 so với cuối năm 2016), bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt, 17 đô thị loại 1, 25 đô thị loại 2, đô thị loại 3 là 44, 84 đô thị loại 4 và đô thị loại 5 là 633.
Bộ trưởng cho biết, khu vực đô thị đóng góp trên 50% GDP, khoảng 2/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 2/3 giá trị xuất khẩu.
Đánh giá hạn chế, người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng, một số quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tính khả thi thấp. Một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc, chưa đúng trình tự, nội dung theo quy định, công tác kiểm tra thanh tra giám sát của cơ quan quản lý, của cộng đồng còn yếu, một số vi phạm chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm.
Hạn chế tiếp theo là hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ, không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển kinh tế và dân số dẫn tới nhiều hệ lụy: ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ngập lụt, dịch vụ kém phát triển, nhà ở xã hội thiếu gay gắt. Với tác động ngày càng bất lợi của biến đổi khí hậu, các hệ lụy trên ngày càng trầm trọng, gay gắt nhất là ở các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM.
Tại báo cáo, Bộ trưởng cũng cho biết các nội dung được cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm gửi kiến nghị, chất vấn ông đều đã hồi âm đầy đủ.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí