Giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Các trường đại học phải thay đổi cách quản trị

Tại hội nghị "Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học" sáng ngày 7/1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trước tình hình hiện nay, các trường đại học phải thay đổi cách quản trị. Nếu không thay đổi, đố trường đại học nào tồn tại được.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hãy coi hội nghị "Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học" là một hội nghị Diên hồng, là tiếng nói của 271 hiệu trưởng phản ánh trung thực để bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Không nên đổi cho ai về tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp

Đối với tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, chúng ta không đổ cho ai về việc sinh viên ra trường thất nghiệp mà phải nhìn nhận đúng thực tế. Có rất nhiều lý do sinh viên ra trường thất nghiệp, Havard cũng có sinh viên thất nghiệp vì người ta ra trường không chọn nghề mà mình đã học.

"Chúng ta là những người cung cấp sản phẩm phải phân tích vấn đề này để sinh viên khởi nghiệp chứ không phải thất nghiệp. Chính điều đó dẫn đến xã hội có nhìn nhận chưa toàn diện về thực trạng sinh viên ra trường thất nghiệp hiện nay" - Bộ trưởng Nhạ nói.

Theo Bộ trưởng Nhạ, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước hết bắt đầu từ công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Khi tuyển sinh đầu vào thì chúng ta phải nghiên cứu dự báo 3,4 năm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường và những ngành nghề nào cần nhân lực lớn.

Có một thực tế là việc đầu tư cho nghiên cứu dự báo còn hạn chế, chủ yếu vẫn là dự báo dựa vào kinh nghiệm. Cho nên dẫn tới nhiều ngành rất có triển vọng, nhu cầu thị trường rất lớn nhưng ta lại không đáp ứng được, trong khi đó có những ngành đào tạo thừa. Bên cạnh đó, phải có giải pháp chuyển giao công nghệ, thậm chí thuê cả giảng viên nước ngoài để đổi mới chương trình học hiện đại.

"Tôi thấy một số trường bây giờ chương trình vẫn rất cũ. Một số ngành ngôi sao một thời nhưng bây giờ cũng không còn nữa. Chúng ta không nên quá câu nệ vào sách vở, ngành truyền thống" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiến sĩ ít lấy đâu ra chất lượng!

Đối với chất lượng đội ngũ giảng viên, cân đối tỷ lệ sinh viên/giảng viên. Theo Bộ trưởng Nhạ, thực tế tỷ lệ này hiện nay còn quá lớn. Giảng đường chuyên ngành có hàng trăm sinh viên, thầy không nhớ nổi tên trò. Toàn ngành bình quân nhiều năm qua có 17% tiến sĩ, năm vừa qua lên được 2% là 19%.

"Một nền giáo dục mà chỉ có số lượng là tiến sĩ như vậy thì lấy đâu ra chất lượng. Phải tạo sự cạnh tranh, thu hút và bồi dưỡng cho được những giáo viên giỏi, cơ hữu, trọng dụng họ" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói về nguồn tài chính, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, nguồn thu học phí của chúng ta quá thấp, vài trăm đô so với vài chục nghìn đô ở nước ngoài, chênh lệch một trời một vực lấy đâu ra chất lượng.

"Nhiều trường trước hết phải mưu sinh, thượng vàng hạ cám, chi cho khoa học công nghệ, con người rất ít. Chúng ta chủ yếu lấy thu bù chi. Số trường có tích lũy đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta không nói chuyện đường lối mà bàn về thực tế để thấy trách nhiệm của ông bộ trưởng đến đâu, của các hiệu trưởng đến đâu để nâng cao chất lượng đại học" - Bộ trưởng Nhạ nói.

Phải đột phá trong quản trị đại học

Đối với Quản trị đại học hiện nay, rất thông cảm với các hiệu trưởng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về sự thay đổi của xã hội.

"Đố trường đại học tồn tại được mà không thay đổi. Đặc biệt là hiện trạng về đội ngũ giảng viên. Phải thay đổi cách quản trị. Phải làm sao phải tập hợp được đội ngũ giảng viên chất lượng. Nhiều trường có các ngôi sao nhưng trường không phải trường ngôi sao vì các ngôi sao lại tỏa sáng ở chỗ khác" - Bộ trưởng Nhạ nói.

Người đứng đầu ngành dẫn dụ, ngay một số trường công lập, trường quốc tế thu hút các thầy giỏi ở các trường đại học. Tại sao trường ĐH RMIT thu học phí cao như thế, rất nhiều giảng viên Việt Nam dạy ở đó với mức lương 36-40 nghìn đô, trong khi đó các trường ĐH Việt Nam có mấy trăm đô.

"Chúng ta phải hiểu cứ cồng kềnh, tính hành chính càng cao thì càng hạn chế sáng tạo. Hiện nay có thí điểm cho một số trường đại học tự chủ. Nhưng tự chủ không phải muốn làm gì làm mà phải có lộ trình" - Bộ trưởng Nhạ nói.

Bộ trưởng Nhạ cho biết, chủ trương sắp tới ngân sách nhà nước chủ yếu chi tập trung cho vùng khó khăn, mầm non, tiểu học. Đối với đại học, không phải không đầu tư mà đầu tư có hiệu quả, theo đơn đặt hàng chứ không bao cấp.

"Chúng ta phải thay đổi quan hệ với doanh nghiệp, chứ không phải ngồi đây cho rằng đại học có uy tín là người ta tự tìm đến. Phải đổi từ quản lý sang quản trị, là một đột phá trong đại học. Cần phân định rạch ròi giữa những người làm khoa học chuyên môn và những người làm công tác quản lý. Hiệu trưởng các trường đại học không nhất thiết phải là giáo sư hay tiến sĩ, mà phải là những người quản lý giỏi." - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh - Khánh Hồng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP