Thế giới

Bộ trưởng Nội vụ Anh từ chức – Hiệu ứng Domino trong Nội các Anh

Sự ra đi của Bộ trưởng Nội vụ Anh được ví như tác động Domino từ chức trong Nội các Anh, đặt ra những thách thức lớn đối với Thủ tướng Anh Theresa May.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd hôm 29/4 đã từ chức, liên quan đến bê bối đối xử với nhiều công dân gốc Caribe bị xếp nhầm vào danh sách nhập cư bất hợp pháp. Sự ra đi của Bộ trưởng Nội vụ Anh được ví như tác động Domino từ chức trong Nội các Anh, đặt ra những thách thức lớn đối với Thủ tướng Anh Theresa May trong việc chèo lái con thuyền nước Anh trong tiến trình đàm phán ra khỏi ngôi nhà chung Châu Âu (Brexit).

Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd đệ đơn từ chức. Ảnh: Standard.

Trong hai tuần qua, nhiều bộ trưởng nội các Anh đã phải liên tục giải thích về việc tại sao một số con cháu của những người nhập cư Caribe thập niên 1960, còn được gọi là "thế hệ Windrush", lại bị xem là người nhập cư bất hợp pháp. Bà Amber Rudd cũng đối mặt với lời kêu gọi từ chức từ phía Công đảng đối lập và nhiều đảng nhỏ khác.

Theo kế hoạch, bà Amber Rudd phải điều trần trước Quốc hội Anh trong ngày 30/4 về vấn đề này, tuy nhiên bà đã lựa chọn từ chức. Vụ bê bối này cũng đã phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh Khối thịnh vượng chung vừa qua tại London, cũng như đặt câu hỏi về quãng thời gian làm Bộ trưởng Nội vụ trong 6 năm của bà Theresa May trước khi trở thành Thủ tướng Anh năm 2016.

Sự ra đi của bà Amber Rudd là thành viên thứ 5 rời bỏ vị trí trong Nội các có tuổi đời 10 tháng của quốc hội Anh. Gần 1/4 trong Nội các thứ 2 của Thủ tướng Theresa May đã từ bỏ chức vụ từ tháng 6 năm 2017. Ngay sau khi thông tin Bộ trưởng Nội vụ từ chức, tâm điểm dư luận tập trung vào Thủ tướng. Một nghị sĩ đối lập cho rằng, lại thêm một thành viên nữa phải ra đi để bảo vệ vị trí cho Thủ tướng.

Trước đó, có nhiều thông tin cho rằng Bộ trưởng Nội vụ đã bị đưa ra làm “lá chắn” cho Thủ tướng Theresa May - người giữ chức Bộ trưởng Nội vụ vào thời điểm đưa ra báo cáo gây tranh cãi này. Bất ổn trên chính trường Anh diễn ra cùng thời điểm với báo cáo kinh tế ảm đạm của nước này, với mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2012.

Một quan chức Bộ Tài chính Anh Liz Truss cho biết: “Những số liệu công bố cho thấy nước Anh đang có tốc độ tăng trưởng không nhanh như chúng ta hi vọng. Đó là lí do tại sao chúng tôi đang phải đưa ra các biện pháp đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, kĩ năng cũng như tìm biện pháp khuyến khích thêm các công ty mở rộng quy mô và cải thiện khả năng sản xuất. Những gì chúng ta cần làm hiện nay là phải thực hiện tất cả các kế hoạch đề ra. Vẫn cần thời gian và nhiều việc còn phải làm”.

Với những khó khăn đang phải đối mặt, nhiều người dự đoán người ra đi tiếp theo trong chính phủ Anh sẽ là Thủ tướng Theresa May. Mặc dù vậy nhiều nhà bình luận cho rằng, những bê bối mới nhất sẽ không mấy ảnh hưởng mấy đến vị trí Thủ tướng của bà Theresa May, vì vấn đề cứng rắn với người nhập cư trước đó cũng đã nhận được sự ủng hộ của người dân Anh. Và điều quan trọng hơn cả đó là chưa có ứng cử viên nào đủ mạnh hiện nay để thay thế vị trí Thủ tướng của bà.

Mặc dù vậy, với cam kết đảm bảo một chính phủ ổn định và vững mạnh khi nhậm chức, Thủ tướng Theresa May lại được cho là đang dẫn dắt một trong những chính phủ không ổn định nhất thời kì hiện đại. Các bộ trưởng từ chức như hiệu ứng Domino. Sau một năm đàm phán Brexit, tương lai cụ thể của nước Anh vẫn chưa được định hình, với những mâu thuẫn từ chính trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà. Cuộc bầu cử địa phương tại Anh diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 5 tới tại một số khu vực của Anh tiếp tục là phép thử mới nhất với uy tín của Thủ tướng ./.

Tác giả: Phạm Hà

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP