Kinh tế

Bộ Tài chính chi hơn 9.600 tỷ đồng để bình ổn giá xăng dầu năm 2021

Tổng số sử dụng Quỹ Bình ổn giá trong quý IV/2021 là 666,816 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2021, số dư Quỹ là 898,582 tỷ đồng.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu quý IV/2021.

Theo số liệu của cơ quan quản lý, tính đến cuối tháng 12/2021, tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu là gần 899 tỷ đồng, tăng 75 tỷ đồng so với quý liền trước. Tuy nhiên, so với cuối năm 2020, số dư quỹ đến cuối năm 2021 đã giảm hơn 8.336 tỷ đồng.

Trước đó, con số thống kê số dư Quỹ BOG đến hết Quý III năm 2021 đến hết ngày 30/9/2021 là 824,088 tỷ đồng; số dư Quỹ BOG đến hết Quý II năm 2021 ngày 30/6/2021 là 1.122,920 tỷ đồng; số dư Quỹ BOG đến hết Quý I năm 2021 ngày 31/3/2021 là 5.340,068 tỷ đồng; số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2020 là 9.234,614 tỷ đồng.

Trong 3 tháng cuối năm vừa qua, tổng số tiền các nhà bán lẻ xăng dầu trích lập vào quỹ bình ổn giá là 740 tỷ. Ở chiều ngược lại, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá mặt hàng thiết yếu này trong quý cũng là gần 667 tỷ đồng.

Lãi phát sinh trên số dư quỹ dương trong quý IV/2021 là 1,8 tỷ đồng, trong khi số lãi phát sinh trên số dư quỹ âm là 138 triệu đồng.

Như vậy, tính trong cả năm 2021, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã chi ra hơn 9.626 tỷ đồng để bình ổn giá trong nước, mức chi lớn nhất kể từ khi cơ quan quản lý thống kê số liệu. Trong năm 2020, mức sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp chỉ vào khoảng 3.800 tỷ đồng. Trong khi số sử dụng năm 2019 là xấp xỉ 8.000 tỷ đồng.

Cũng trong năm vừa qua, tổng số tiền các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trích lập vào quỹ chỉ là hơn 1.304 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 103/2021/TT-BTC hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, có hiệu lực từ đầu năm 2022. Thông tư này nêu rõ, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có cơ chế tài chính riêng.

Tác giả: Trần Thu Thảo

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP