Trong trang phục giản dị, ông Rajendran bình thản đưa một con rắn hổ mang vào nồi đất sét chỉ bằng chiếc gậy bắt rắn thô sơ.
Cận kề thần chết
Hành động nguy hiểm đó lại là một phần công việc hằng ngày của ông Rajendran, người bộ lạc Irula. Đây là một trong những cộng đồng bản địa lâu đời nhất Ấn Độ, sống dọc bờ biển phía Đông Bắc bang Tamil Nadu. Họ sở hữu vốn kiến thức cổ xưa và sâu rộng về loài rắn cùng với kỹ năng bắt rắn được xem là đóng góp quan trọng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ nhưng ít được ghi nhận.
Chia sẻ khi đang đứng cạnh bảng chỉ dẫn về những loại rắn không có độc tại địa phương, ông Rajendran cho biết: "Nhiều người sợ rắn. Nhưng chúng ta nên nhớ rắn chỉ quan tâm đến sự sống còn. Nếu chúng ta di chuyển gây kích động, chúng sẽ xem đó là mối đe dọa và có thể tấn công. Nếu chúng ta đứng yên, rắn thường bỏ đi".
Ông Rajendran đang làm công việc bắt rắn và lấy nọc độc tại Hiệp hội Hợp tác xã công nghiệp bắt rắn Irula, được thành lập năm 1978 ở làng ven biển Vadanemmeli, ngoại ô TP Chennai. Hiệp hội này được cấp phép nuôi nhốt cùng lúc 800 con rắn. "Chúng tôi bắt giữ mỗi con rắn trong 21 ngày và lấy nọc độc 4 lần trong khoảng thời gian đó rồi thả chúng về tự nhiên. Một ký hiệu nhỏ được đánh dấu trên bụng rắn nhằm tránh bắt lại một con rắn nhiều lần. Ký hiệu này sẽ biến mất sau vài lần rắn lột da" - ông Rajendran giải thích.
Gần 50.000 người tử vong vì bị rắn cắn tại Ấn Độ mỗi năm và cách điều trị đáng tin cậy nhất là nhanh chóng dùng thuốc kháng nọc độc. Theo đài BBC, có khoảng 6 công ty trên toàn Ấn Độ sản xuất chừng 1,5 triệu lọ thuốc kháng nọc độc mỗi năm và hầu hết nguồn nọc độc dùng chế thuốc được lấy bởi người Irula.
Bộ tộc Irula nổi danh với kỹ năng bắt rắn điêu luyện Ảnh: ALAMY |
Với ông Rajendran, sự thành thạo trong công việc bắt rắn và hiểu biết sâu sắc về loài vật này bắt nguồn từ thời thơ ấu sống trong những cánh rừng. Trước khi lên 10 tuổi, ông đã chứng kiến hàng trăm con rắn bị bắt. Người dân Irula thường làm việc thầm lặng, ngay cả khi họ đi rừng cùng những người khác. Theo bản năng, họ biết rõ tầm quan trọng của những dấu vết mờ nhạt trên mặt đất, từ đó quyết định nên tiếp tục bám theo hay bỏ qua. Tuy nhiên, những người thuộc bộ lạc này thường không thể diễn giải được các hiểu biết của bản thân về loài rắn, ngay cả với những chuyên gia nghiên cứu về loài bò sát.
Trong phần lớn thế kỷ XX, hàng chục ngàn người Irula kiếm sống bằng cách săn rắn để lấy da dù không ăn thịt con vật này. Một bộ da được trả từ 10-50 rupee trước khi nó được sơ chế và xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ để sử dụng trong ngành công nghiệp thời trang. Đến năm 1972, Đạo luật Bảo vệ động vật hoang dã được ban hành ở Ấn Độ, trong đó nghiêm cấm săn bắt rắn.
Ông Romulus Whitaker, nhà nghiên cứu từng làm việc với người Irula trong gần 50 năm, cho biết người Irula bắt đầu gặp khó khăn kể từ khi đạo luật trên được thực thi. Số tiền ít ỏi kiếm được từ việc bán da rắn vẫn chiếm phần lớn thu nhập hằng tháng của nhiều gia đình người Irula. "Tôi có thể nói họ gần như chết đói" - ông Whitaker kể lại.
Cha truyền, con... không nối
Một bước ngoặt quan trọng đến từ sự ra đời của Hiệp hội Hợp tác xã công nghiệp bắt rắn Irula, tạo điều kiện hợp pháp để người dân địa phương vận dụng các kỹ năng truyền thống của mình. Kỹ năng bắt rắn điêu luyện của người Irula giúp họ nhận được lời mời hợp tác từ Ủy ban Bảo tồn cá và động vật hoang dã bang Florida (Mỹ). Hai thành viên của cộng đồng, Vadivel Gopal và Masi Sadayan, đã sang Mỹ để tham gia dự án đối phó trăn Miến Điện đang đe dọa các loài động vật có vú trong Vườn Quốc gia Everglades. "Người Irula là lựa chọn tốt nhất của chúng tôi" - ông Joe Wasilewski, một chuyên gia về động vật hoang dã thuộc Trường ĐH Florida (Mỹ), nhận xét.
Tuy nhiên, cuộc sống của người dân Irula vẫn đối mặt nhiều sức ép. Ông Rajendran lo lắng tình trạng đô thị hóa đang lan đến Vadanemmeli và các cơ sở thương mại dần xâm lấn môi trường hoang dã. Chennai hiện có hơn 7 triệu dân và mở rộng về mọi hướng, đe dọa "nuốt chửng" làng Vadanemmeli. Gần khu vực khai thác nọc độc rắn, các khu nghỉ dưỡng cao cấp đang mọc lên. Thêm vào đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thuốc kháng nọc độc phải được tạo ra từ những con rắn hoàn toàn bị nuôi nhốt, đồng nghĩa rằng nhu cầu đối với kỹ năng của người Irula có thể bị mai một vì họ chuyên bắt rắn hoang dã.
Masi, Vadivel và Rajendran có lẽ cũng là thế hệ cuối cùng của bộ lạc Irula có sự am tường về loài bò sát này. Hầu hết gia đình người Irula giờ đây muốn con cái họ hòa nhập xã hội hiện đại của Ấn Độ. Nhiều trẻ em của bộ lạc Irula được đến trường và không còn cùng cha mẹ vào rừng. "Nhiều người Irula trẻ tuổi giờ đây thậm chí còn sợ rắn" - ông Whitaker cho biết.
Tác giả: XUÂN MAI
Nguồn tin: Báo Người lao động