Kinh tế

Bộ Giao thông đề xuất làm đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam vận tốc 350km/h, không chở hàng

Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế là 350 km/giờ, vận tải hành khách và vận tải hàng hoá khi có nhu cầu; còn tuyến đường sắt hiện hữu sẽ chuyển sang phục vụ vận tải hàng hoá.

Ngày 26/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế là 350 km/giờ, vận tải hành khách và vận tải hàng hoá khi có nhu cầu; còn tuyến đường sắt hiện hữu sẽ chuyển sang phục vụ vận tải hàng hoá.

Đánh giá tác động của Bộ GTVT và Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) cho thấy, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm trong giai đoạn 2025 - 2037.

Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cũng đã rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án huy động nguồn vốn, đánh giá tác động nợ công; đề án phát triển nguồn nhân lực; định hướng phát triển công nghiệp đường sắt…

Bên cạnh việc thực hiện cải tạo, nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, Ban QLDA Đường sắt cũng đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Bộ GTVT đề xuất phương án làm đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam vận tốc 350km/h

Trong đó có tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây; Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) - Thạch Lỗi (Đông Anh, Hà Nội) kết nối các tuyến đường sắt đi phía nam và phía bắc.

Tuyến TP.HCM - Cần Thơ kết nối TPHCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ; Thủ Thiêm - Long Thành kết nối TP.HCM với Cảng hàng không Long Thành; tuyến Biên Hoà - Vũng Tàu kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với TP.HCM, cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, các dự án đường sắt quan trọng quốc gia có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, đi qua nhiều địa phương nên cần xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng, công tác chuẩn bị đầu tư mất nhiều thời gian, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương.

Các dự án đường sắt mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế nhưng hiệu quả tài chính dự án không cao, nên ngân sách Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư.

Bên cạnh đó, công nghiệp đường sắt trong nước chưa sản xuất được phương tiện, thiết bị, linh kiện, phụ tùng cho đường sắt nói chung. Nguồn nhân lực chưa tiếp cận với trình độ quản lý, kỹ thuật tiên tiến; thiếu chuyên gia về đường sắt.

Tại cuộc họp, một số chuyên gia cho rằng ngoài mục tiêu chở khách, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần tính toán việc góp phần tăng thị phần vận tải hàng hóa của đường sắt để giảm chi phí logistics; phải liên thông với các tuyến đường sắt quốc tế.

Đồng thời cần đầu tư cho công nghiệp đường sắt, chế tạo đầu máy, toa xe… Bên cạnh đó cần có cơ chế, chính sách để huy động được nguồn lực, đột phá về cách làm.

Qua ý kiến các đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phát triển đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tiếp thu, giải trình, làm rõ các ý kiến được nêu tại phiên họp, hoàn thiện phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…

Trong đó: làm rõ hiệu quả kinh tế, công nghệ, kinh nghiệm vận hành đường sắt tốc độ cao kết hợp vận tải hành khách với hàng hóa trên thế giới; phương án huy động nguồn vốn, phân kỳ đầu tư; mô hình tổ chức bộ máy quản lý, vận hành; phương án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ ngành công nghiệp đường sắt trong nước…

Phó Thủ tướng cũng lưu ý giữ lại các nhà ga trung tâm ở các đô thị lớn mang tính biểu tượng khi làm đường sắt tốc độ cao. Đồng thời bảo đảm hành lang an toàn bằng cách kết hợp với tuyến đi trên cao, đi ngầm.

Tác giả: N.T

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP