Giáo dục

Bỏ điểm sàn Đại học: Vì sao lo lắng 'vỡ trận'?

Nhiều nhà giáo dục, chuyên gia cho rằng, việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn phải tính đến giải quyết tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Các trường ĐH,CĐ có thể tuyển sinh theo hình thức khác nhau và không cần dựa vào điểm sàn. Ảnh mang tính minh họa.

Cần tự chủ như nước ngoài?

Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS.TSKH), Viện sĩ, nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc nêu quan điểm, ở các nước có nền giáo dục phát triển như Anh không có điểm sàn, không công bố điểm xét tuyển ĐH, CĐ trên giấy tờ nhưng học sinh thi theo hình thức thi chung. Đề thi đều do Bộ GD-ĐT ra và chấm, rồi kết quả trúng tuyển vào trường nào đều được gửi vào máy điện thoại cho học sinh.

Còn ở Mỹ, căn cứ vào điểm thi THPT, các trường ĐH, CĐ có thể sắp xếp việc học tập theo ngành nghề cho học sinh tùy theo số điểm thi và năng lực của các em. Nước này đã phân luồng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS và THPT.

"Có thể thấy, những nước trên không có điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ nhưng họ đã phân luồng nghề nghiệp cho học sinh theo năng lực, sở thích của các em ngay từ khi học trung học"- GS Phạm Minh Hạc nói.

TS Phạm Mạnh Hà (giảng viên Học viện Thanh thiếu niên) cho rằng, độ phổ cập về Đại học ở Việt Nam còn chưa bằng so với thế giới.

Theo kinh nghiệm thế giới như tại Mỹ, học sinh học xong cấp Trung học được nghỉ 1 năm để trải nghiệm cuộc sống cũng như khám phá bản thân xem mình cần gì, thích gì, muốn gì. Sau đó, học sinh có thể lựa chọn chuyên ngành Đại học mà mình theo học hoặc tìm công việc theo nghề mà mình lựa chọn.

Tại Đức, tỷ lệ học Đại học rất ít, chỉ hơn 20% mà chủ yếu là học nghề. Con số 20% của Đức được giới chuyên gia trong nước cho rằng vẫn còn nhiều và họ muốn giảm xuống chỉ 16%, đó là các quyết định xuất phát từ thị trường lao động.

Cũng theo TS Hà, thị trường lao động phụ thuộc vào nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng sẽ tuyển dụng người nào làm đúng ngành, đúng năng lực để tuyển nên họ không quan tâm tới việc người được chọn có học Đại học hay Cao đẳng hay chỉ học nghề.

"Anh làm được việc, thì tôi tuyển dụng anh, kể cả anh có học Đại học hay không. Khi để thị trường lao động điều chỉnh thì chất lượng nguồn nhân lực cũng sẽ cao lên" - TS. Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.

Khi học Đại học thì ít nhất, sinh viên đã có các nền tảng về mặt tri thức nhưng ra trường có làm được việc hay không, có đảm bảo được công việc hay không. Đại học tại Việt Nam còn tràn lan và nặng về lý thuyết nên khi ra trường, sinh viên được tuyển dụng nhưng không thể làm được việc. Đây cũng là vấn đề về chất lượng đào tạo tại các trường Đại học hiện nay mà nếu như để họ tự chủ tuyển sinh thì sẽ kiểm soát được đầu vào và tự biết cách điều chỉnh chất lượng đào tạo.

Sẽ tạo ra vòng xoáy?

TS Hà cũng phải cảnh báo rằng, nếu không học Đại học thì học sinh sẽ được học nghề. Nhưng nếu học nghề không có kết quả tốt cũng như học Đại học kết quả thấp thì vẫn có thể bị thất nghiệp. Điều này tất yếu sẽ tạo ra sự cạnh tranh và từ đó thúc đẩy chất lượng của sinh viên. Đồng thời cũng gây sức ép với các trường đào tạo nghề.

"Nếu đào tạo nghề cũng theo kiểu đào tạo theo nhu cầu học sinh, ra trường mà học sinh cũng không thể làm được nghề thì cũng thất nghiệp. Như vậy, nó tạo ra một vòng xoáy, bỏ đại học đi học nghề, học nghề vẫn thất nghiệp chồng thất nghiệp" - TS. Hà nhận định.

Nói tóm lại, hệ thống giáo dục Việt Nam là đáp ứng nhu cầu học tập của người theo học chứ không đáp ứng nhu cầu lao động của nhà tuyển dụng nên các trường đào tạo cũng tuyển sinh theo nhu cầu của người theo học, từ đó dẫn tới việc tuyển sinh tràn lan và dùng các chiêu trò để tuyển sinh, mặc kệ các chất lượng đào tạo và tương lai nghề nghiệp của sinh viên.

TS. Hà lấy một ví dụ mà ông cho là một tín hiệu mừng của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2016 vừa qua là có nhiều thí sinh đã khá tỉnh táo khi bỏ kỳ thi này. Ở khu vực miền núi và một số khu vực khác, thí sinh bỏ thi khiến tình trạng các trường Đại học không thể tuyển sinh được.

Có giảm cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp?

Theo GS.TSKH Phạm Minh Hạc, nếu Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn thì có nghĩa là mở rộng cho các trường ĐH, CĐ được phép tuyển sinh nhằm đảm bảo thu nhập cho các trường nhưng có thể sẽ dẫn đến tình trạng không đảm bảo chất lượng đào tạo. Hệ lụy của vấn đề này là tình trạng sinh viên thất nghiệp không xin được việc làm gia tăng.

Ví dụ năm 2016, nước ta có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Đây là hệ quả của việc học sinh được tuyển mở rộng vào các trường ĐH, CĐ nhưng trình độ và kỹ năng không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của xã hội.

Theo GS.TSKH Phạm Minh Hạc, việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn phải tính đến giải quyết tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Phải siết chặt chuẩn “đầu ra”

Đứng ở quan điểm khác, GS Đinh Quang Báo, Viện nghiên cứu sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội đồng ý với chủ trương của Bộ GD-ĐT là bỏ điểm sàn xét tuyển vào ĐH, CĐ. Bởi mục tiêu của giáo dục phổ thông là học sinh tốt nghiệp THPT có thể học tiếp lên bậc học cao hơn.

Luật Giáo dục ĐH cũng đã quy định rõ quyền tự chủ của các trường nên họ có quyền quyết định phương án tuyển sinh và đưa ra mức điểm xét tuyển thí sinh vào trường, chứ không phải phụ thuộc vào điểm sàn.

Còn những trường tốp đầu có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển hay những trường sư phạm muốn tuyển sinh viên giỏi thì có thể đưa ra những yêu cầu khác để tuyển chọn thí sinh vào trường.

Các trường ĐH, CĐ có thể tuyển sinh theo hình thức khác nhau và không cần dựa vào điểm sàn. Còn việc các trường có tuyển sinh dưới mức điểm sàn hay không là tùy thuộc vào từng trường.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cơ quan quản lý giáo dục phải kiểm soát được hoạt động giảng dạy và chuẩn nghề nghiệp đào tạo ở các trường ĐH, CĐ. Như vậy, chúng ta mới có được chuẩn “đầu ra” và nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho xã hội.

Hệ thống giáo dục Việt Nam là đáp ứng nhu cầu học tập của người theo học chứ không đáp ứng nhu cầu lao động của nhà tuyển dụng nên các trường đào tạo cũng tuyển sinh theo nhu cầu của người theo học, từ đó dẫn tới việc tuyển sinh tràn lan và dùng các chiêu trò để tuyển sinh, mặc kệ các chất lượng đào tạo và tương lai nghề nghiệp của sinh viên.
TS Phạm Mạnh Hà

Tác giả bài viết: Đỗ Hợp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP