Trong văn bản mới đây, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sabeco thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, cơ quan này yêu cầu doanh nghiệp tạm nộp toàn bộ 2.790 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước, để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với khoản tiền phạt hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế giai đoạn 2007 – 2015. Bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng quản trị thực hiện, báo cáo kết quả về Bộ Công Thương.
Chia sẻ với VnExpress, ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, quyết định này của Bộ đưa ra dựa trên yêu cầu của Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước. "Bộ Công Thương yêu cầu Sabeco thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về Doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước và Thuế", ông Hưng khẳng định.
Tuy nhiên, yêu cầu này của Bộ Công Thương lại khiến Sabeco bối rối, không rõ sẽ tạm nộp khoản bổ sung trên ra sao do chưa có hướng dẫn từ cơ quan thuế. Do đó, trong công văn gửi Cục Thuế TP HCM mới đây, ông Nguyễn Thành Nam - Tổng giám đốc Sabeco đề nghị cơ quan này hướng dẫn doanh nghiệp cách thức thực hiện.
Một dây chuyền sản xuất bia chai của Sabeco. |
Cũng theo lãnh đạo Sabeco, trước đó, thực hiện kết luận Kiểm toán nhà nước, giai đoạn 2007 – 2015, doanh nghiệp đã nộp bổ sung hơn 4.769 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt do thay đổi giá tính thuế. Sabeco đã kiến nghị với Bộ Công Thương và Bộ kiến nghị lên Thủ tướng về việc Sabeco đã nộp thuế theo đúng hướng dẫn của cơ quan thuế và không phải nộp bổ sung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản pháp lý nào cho phép miễn nộp tiền chậm nộp thuế theo quy định. Vì thế, trong thời gian đợi ý kiến của Chính phủ, Sabeco thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước và trích lập khoản này.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, nếu Hội đồng quản trị Sabeco thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương sẽ gây nhiều hệ quả nghiêm trọng. Theo VAFI, điều này không chỉ liên quan đến quyền lợi của ThaiBev mà cả hàng nghìn nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu Sabeco và không phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch VAFI dẫn Luật Doanh nghiệp cho biết, Hội đồng quản trị chỉ có thẩm quyền đề nghị trước đại hội cổ đông về mức chi trả cổ tức (số lợi nhuận sau thuế để chia cho các cổ đông) chứ không có quyền quyết định thanh toán cổ tức cho bất kỳ cổ đông nào, kể cả cổ đông Nhà nước hay cổ đông đa số. Vì thế, Hiệp hội này lưu ý, việc chia 2.900 tỷ đồng (khoản lợi nhuận chưa phân phối năm 2016) phải được đưa ra Đại hội cổ đông sắp tới để biểu quyết, và phải có danh sách cổ đông được xác lập và cung cấp từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Sự việc bắt đầu vào đầu tháng 3. Kiểm toán Nhà nước công bố kết luận kiểm toán báo cáo tình hình tài chính năm 2016 tại Sabeco cho thấy, trước khi bán vốn gần 54% cho đại gia Thái Lan, Sabeco còn hơn 2.700 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối của các năm 2016 trở về trước. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Sabeco phải nộp ngân sách gần 2.500 tỷ đồng và đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Sabeco làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.
Phản hồi sau đó, Sabeco cho biết, "không có cơ sở thực hiện ngay kiến nghị kiểm toán do "chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp, điều lệ công ty". Mặt khác, việc phân phối cổ tức cho các cổ đông theo tỷ lệ nào phải căn cứ vào kết quả chốt danh sách cổ đông khi dự kiến chia cổ tức và phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Dù vậy, dẫn Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 Bộ Tài chính vẫn đốc thúc Bộ Công Thương chỉ đạo Sabeco thực hiện kết luận kiểm toán.
Tác giả: Nguyễn Hoài
Nguồn tin: Báo VnExpress