Kinh tế

Bộ Công Thương vẫn đưa thép Cà Ná của Hoa Sen vào quy hoạch

Tại danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, có tên dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen.

Đại biểu Quốc hội: Có hay không lợi ích nhóm tại dự án thép Cà Ná?

(Ảnh minh hoạ).


Bộ Công Thương vừa có dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Tại danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, có tên dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen.

Cụ thể, dự thảo nêu rõ: Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận giai đoạn 1 do Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa xác định thời điểm triển khai. Nhưng tổng thể, dự án này dự kiến được đầu tư thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 2 thực hiện đến năm 2022. Giai đoạn 3 là năm 2025. Giai đoạn 4 năm 2028 và giai đoạn 5 là 2031.

Trước đó, trả lời chất vẫn trên diễn đàn Quốc hội liên quan thép Cà Ná, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Tôi dám khẳng định công khai ở diễn đàn này là chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép đưa ra để đánh đổi về môi trường. Và tôi khẳng định ở đây không phải lợi ích nhóm. Tại sao lại là lợi ích nhóm ở đây khi chúng ta đang hướng tới một cách hài hòa và bền vững các ngành công nghiệp quan trọng của chúng ta, khai thác hợp lý và bền vững các lợi thế tài nguyên quốc gia?”.

Trong một báo cáo phát đi cùng thời điểm, Bộ Công Thương cho rằng, với năng lực sản xuất hiện tại, ngành thép Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu trong nước về phôi thép và thép xây dựng. Tổng công suất theo thiết kế các nhà máy đang hoạt động đạt khoảng 11 triệu tấn/năm nhưng các nhà máy có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm trở lên chỉ ở mức 8 triệu tấn/năm.

Các nhà máy còn lại có tổng công suất khoảng 3 triệu tấn/năm có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu, khả năng cạnh tranh thấp. Đến năm 2020, Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 6 triệu tấn công suất thép phôi xây dựng có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong nước.

Đối với thép cuộn cán nóng, Việt Nam mới chỉ có duy nhất dự án Liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh với công suất 7,5 triệu tấn, sử dụng lò cao dung tích 4530m3 đã được đầu tư xây dựng. Khi đi vào hoạt động sẽ là khu liên hợp thép đầu tiên tại Việt Nam sản xuất được các sản phẩm thép tấm cán nóng sẽ làm thay đổi diện mạo ngành thép Việt Nam. Tuy nhiên, sự cố tháng 5/2014 và sự cố về môi trường vừa qua khiến dự án đang bị chậm tiến độ.

Theo Bộ Công Thương, ngoài dự án Formosa, trong thời gian tới, ngành thép Việt Nam không có dự án sản xuất thép tấm cán nóng được triển khai, nhập siêu ngành thép đối với chủng loại này sẽ tiếp tục gia tăng.

Bộ Công Thương cho biết, quá trình rà soát Quy hoạch cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

"Nếu chúng ta không phát triển các dự án Khu liên hợp luyện thép lò cao để sản xuất các loại thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo sẽ có một nghịch lý là sở hữu lượng quặng sắt rất lớn và các chất trợ dung, phụ liệu sản xuất nhưng ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp quốc phòng và đóng tàu phục vụ kinh tế biển lại phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu với khối lượng lớn. Điều này gây ra tình trạng nhập siêu lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước", Bộ Công Thương cho biết.

Bộ này cũng khẳng định, vấn đề ở đây là các dự án thép phải thực hiện nghiêm túc việc đầu tư, từng khâu công nghệ, cũng như toàn nhà máy phải có đầy đủ các thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, người vận hành phải tuân thủ đúng quy trình vận hành mà công nghệ đã đặt ra… Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường máy móc thiết bị để giám sát chặt chẽ các hoạt động xả thải, xử lý chất thải, tránh tình trạng chất thải chưa xử lý triệt để đã thải ra môi trường.

Trên thực tế, từ khi dự án thép Cà Ná được công bố đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, nhiều chuyên gia công khai lên tiếng phản đối dự án này.

Trao đổi với báo chí, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Một số ngành công nghiệp gang thép cần rất thận trọng và nếu được không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào nữa vì chúng ta có thể là nước đi sau, rõ ràng có thể tránh được những vết xe đổ của các nước đi trước”.

Theo ông Mại, hiện gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua, do đó, Việt Nam có thể đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép. Ông cũng cho rằng, cần tập trung sức vào làm công nghiệp tương đối hiện đại đi cùng thế giới, bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển. Chẳng hạn, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất hợp kim cao cấp, nhập khẩu công nghệ ở những nước tiên tiến, nước G7 với giá trị bằng 5-7 lần so với sản xuất thép.

Theo ông Mại, Việt Nam không nên đi vào vết xe đổ của các quốc gia khác, như tại Trung Quốc hiện đang dư thừa khối lượng thép khổng lồ và 3 năm vừa qua Trung Quốc đã bắt đầu bỏ các nhà máy gang thép công suất dưới 2 triệu tấn vì những nhà máy như vậy không có lợi cho kinh tế, môi trường.

Tác giả bài viết: Phương Dung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP