Bộ Công thương rà soát điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu |
Bộ Công thương vừa có văn bản yêu cầu thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu thương nhân đầu mối phải báo cáo chi tiết về điều kiện có cầu cảng chuyên dụng; kho tiếp nhận xăng dầu; phương tiện vận tải xăng dầu.
"Thương nhân đầu mối phải báo cáo cụ thể về hệ thống phân phối xăng dầu, trong đó liệt kê cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê (5 năm trở lên), đại lý bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu", Bộ Công thương yêu cầu.
Ngoài ra, thương nhân phân phối phải báo cáo hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân với các thông tin cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê, cửa hàng trực thuộc đại lý bán lẻ xăng dầu, cửa hàng trực thuộc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu...
Các báo cáo này gửi về Bộ Công thương trước ngày 30/1.
Hôm 4/1/2024, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Kết luận thanh tra cho thấy tại thời điểm thanh tra, cả nước có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu, 341 thương nhân phân phối xăng dầu, 18 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, 312 đại lý, 17.449 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Trong hơn 5 năm (từ 1//2017-60/6/2022), Bộ Công thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.
Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy phép, nhiều thương nhân đầu mối trong thời gian hoạt động kinh doanh xăng dầu không đảm bảo hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ nêu: “Nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra thường xuyên, trong nhiều năm nhưng Bộ Công thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm dẫn đến nhiều vi phạm chưa được chấn chỉnh kịp thời, khắc phục kịp thời”.
Do quản lý lỏng lẻo nên trong gần 3 năm, một số thương nhân phân phối bán cho đầu mối sai quy định, khoảng 828.963 m3 để hưởng tiền chiết khấu, chênh lệch giá bất hợp pháp. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối đã không tạo nguồn theo quy định, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu của thị trường.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn tới gián đoạn nguồn cung vào năm 2022.
Tác giả: Thế Hải
Nguồn tin: Báo Đầu tư