Ước tính 10 năm tới PVN phải bỏ ra hàng tỷ USD bù lỗ cho Lọc dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỷ USD. |
Liên quan đến cơ chế xử lý đối với Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng trước đó có yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo hướng xử lý vào đầu tháng 10.
Thông tin về vấn đề này, tại họp báo Chính phủ diễn ra chiều 3/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án rất lớn, vốn đầu tư nước ngoài cao, có tầm quan trọng. Chính vì vậy, từ tháng 4/2008, dự án này đã được cấp giấy phép đầu tư.
"Tới ngày 25/1/2013, dự án chính thức đi vào hoạt động, Chính phủ Việt Nam đã cấp giấy bảo lãnh của Chính phủ cho dự án này. Việc bảo lãnh có 2 nội dung là ưu đãi về thuế và bao tiêu sản phẩm khi dự án đi vào sản xuất", ông Hải nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh đây là dự án có vốn đầu tư lớn, có tầm quan trọng rất cao, nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, từ cấp cao nhất, đặc biệt là từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
"Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, Việt Nam là nước được đánh giá đi đầu trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã ký, đàm phán và nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước đã có hiệu lực. Nhiều nước có mức thuế khác nhau, vì vậy phát sinh dự án này được bảo lãnh của Chính phủ nhưng khi so với các dự án khác có những cái so sánh có thể cao hơn hay thấp hơn", ông nói.
Theo Thứ trưởng, chính vì vậy, Chính phủ đã giao các bộ ngành tìm phương án hợp lý nhất trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
"Bộ Công Thương đã hoàn thành phương án, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và ngày 27/10/2017, Ban Cán sự Đảng của Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Bộ Chính trị. Hiện đang chờ ý kiến Bộ Chính trị quyết đáp về phương án xử lý thế nào", ông nói thêm.
Trước đó, phát biểu tại một hội thảo, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) chỉ ra bất cập liên quan tới dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm theo lộ trình ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cụ thể, theo ông Trương Đình Tuyển, Chính phủ cam kết giữ thuế nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn 7% để bảo hộ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm, tính từ ngày nhà máy sản xuất thương mại.
Như vậy, nếu năm 2018 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại, thì theo thỏa thuận với Nhà máy này, Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết 2028.
Tuy nhiên, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu đã xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Diesel và mazut là 0% từ năm 2016. Còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ 2016 là 5% và từ 2018 là 0%, riêng mazut từ 2016 thuế nhập khẩu đã là 0% .
"Vậy là phát sinh mâu thuẫn giữa cam kết FTA với cam kết Nghi Sơn. Theo FTA với ASEAN và Hàn Quốc, lộ trình giảm thuế giảm nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng không thể phá bỏ cam kết với Nghi Sơn thì nguồn bù đắp 7% từ đâu? Con số này rất lớn mà phải nghĩ đến", ông Tuyển nói.
Một báo cáo từ Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) từng cho biết, theo ước tính, trong 10 năm tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể phải bỏ ra 1,5 - 2 tỷ USD để bù lỗ cho dự án Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỷ USD.
Trên thực PVN có thu về lợi nhuận hàng năm từ việc chia cổ tức với tư cách cổ đông góp vốn tại dự án này, dự kiến vào khoảng 716 triệu USD trong vòng 10 năm với phương án giá dầu 45 USD/thùng.
Tuy nhiên, chính cơ chế ưu đãi về thuế và bao tiêu sản phẩm khiến mỗi năm tính trung bình, PVN phải bù lỗ từ 80 - 110 triệu USD, tương đương 1.800 - 2.000 tỷ đồng. Đó là còn chưa tính đến khoản hỗ trợ trực tiếp cho dự án này để đầu tư các hạng mục công trình bên trong khu liên hợp lên tới hơn 3.800 tỷ đồng.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí