Thông tin này được ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương chia sẻ tại tọa đàm “Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh trói doanh nghiệp” ngày 18/10 do báo Lao Động tổ chức.
Trong 675 điều kiện kinh doanh được hứa xoá bỏ của Bộ Công Thương, có ý kiến cho rằng, nhiều điều kiện bị "gộp lại làm một". Về băn khoăn này, ông Nhật Tân khẳng định, đây là lỗi trùng lặp trong rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh. "Bộ Công Thương đã rà soát và phát hiện có 18 điều kiện kinh doanh cụ thể liên quan, thuộc phụ lục quyết định cắt giảm ở lĩnh vực kinh doanh thực phẩm bị trùng lặp", ông Tân cho biết.
Cụ thể, có một số điều kiện đã bị gạch bỏ vẫn tồn tại ở các dòng ngay trước hoặc sau dòng đã gạch bỏ. "Chúng tôi đã đề xuất và các điều kiện này sẽ được bỏ tại văn bản quy phạm pháp luật đang được trình Chính phủ thông qua", ông Nhật Tân khẳng định.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương). |
Ông Tân khẳng định, Việc tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh là bước đầu tiên và tới đây cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát để đạt được những kết quả phù hợp, đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp. Việc quản lý tiền kiểm sẽ được chuyển sang hậu kiểm. Những điều kiện mang tính chất định tính như nhà xưởng, cơ sở... sẽ bị bỏ, còn định lượng như khoảng cách an toàn thì được tính đưa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát trong 27 ngành nghề, lĩnh vực chịu sự quản lý của Bộ Công Thương. Những điều kiện được giữ lại sẽ không ảnh hưởng tới việc gia nhập thị trường và hoạt động bình thường của doanh nghiệp", Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định.
Tuy vậy, vị này nhìn nhận, đây vẫn chưa phải là cách quản lý tốt nhất. “Nhà nước không thể căng sức ra để quản lý hết được mà phải theo cách thức quản lý rủi ro”, ông Tân nói.
Cho rằng bỏ điều kiện kinh doanh thực chất là thay đổi tư duy quản lý, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu nói, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh là kết quả của một quá trình rà soát công khai, minh bạch.
"Loại bỏ điều kiện kinh doanh trói doanh nghiệp, chính là thay đổi phương thức quản lý nhà nước. Chúng ta phải hình dung hiện nay có hơn 500.000 doanh nghiệp, nhưng sắp tới có thể là 2 triệu, 3 triệu. Như vậy việc kiểm soát 100%, cả tiền kiểm và hậu kiểm, là điều không thể", ông nói.
Chính vì thế, phương pháp quản lý rủi ro tính đến 2 yếu tố. Một là hiệu lực (quy định của cơ quan quản lý đặt ra phải đảm bảo được thực thi), tính hiệu quả (chi phí bỏ ra phải phù hợp với lợi ích mà xã hội mang lại). Hai là các bộ, ngành buộc phải phân loại được loại doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ, kèm theo đó là các nguy cơ gây rủi ro thấp hay cao.
"Chúng ta nên chuyển hẳn cách quản lý, từ việc trói doanh nghiệp sang việc tạo ra môi trường linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu nói thêm.
Ông Hiếu cũng nhận xét, để việc cắt giảm này đi vào thực tế cần có những điều kiện khác. “Phải có hành động pháp lý. Bộ Công Thương phải trình Chính phủ ban hành Nghị định hoặc thậm chí cao hơn là trình Quốc hội một đạo luật về vấn đề này”, ông Hiếu nói.
Về điểm này, ông Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh và kỳ vọng Nghị định sẽ được ban hành vào cuối năm nay.
Tác giả: Anh Minh
Nguồn tin: Báo VnExpress