Trong Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu và thực thi chính sách giảm lệ phí trước bạ cho các loại xe điện chạy pin (BEV), xe hybrid tự sạc (HEV), và xe hybrid sạc ngoài (PHEV).
Cùng với những giải pháp đồng bộ khác, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030, xe điện, hybrid, và xe sử dụng năng lượng tái tạo hoặc nhiên liệu sinh học (gọi chung là xe xanh) sẽ chiếm khoảng 18-22% tổng doanh số thị trường, tương đương từ 180.000 đến 242.000 chiếc. Đến năm 2045, tổng doanh số thị trường dự kiến đạt 5-5,7 triệu xe, trong đó khoảng 80-85% là xe xanh.
Ảnh minh họa. |
Hiện nay, thị trường xe điện hóa tại Việt Nam có sự góp mặt của các thương hiệu như VinFast, Toyota, và Suzuki. Tuy nhiên, một số hãng khác như Hyundai, Kia, Honda, và Haval có doanh số không đáng kể. Tổng doanh số xe điện hóa của Toyota và VinFast trong năm 2023 ước đạt khoảng 37.000 chiếc, chiếm khoảng 9% tổng thị trường.
Hiện tại, xe BEV đang được hưởng mức ưu đãi lệ phí trước bạ 0% trong 3 năm, từ 1/3/2022 đến 1/3/2025, theo Nghị định 10/2022. Trong 2 năm tiếp theo, lệ phí trước bạ cho xe BEV sẽ bằng 50% so với ôtô chạy xăng, dầu cùng loại, trong khi xe hybrid chưa được hưởng ưu đãi này.
Ngoài ra, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho xe hybrid bằng 70% xe chạy xăng, dầu cùng loại và giảm mức thuế TTĐB từ 70% xuống 50% cho xe PHEV.
Hiện tại, thuế TTĐB cho xe BEV đang ở mức ưu đãi 3%, giảm từ mức 15%, áp dụng từ 1/3/2022 đến 28/2/2027.
Theo đại diện Toyota Việt Nam, việc ưu đãi thuế và phí cho xe hybrid, bên cạnh xe điện, có thể giúp thúc đẩy thói quen tiêu dùng xanh của người dân, đặc biệt là những khách hàng chưa có điều kiện tiếp cận hạ tầng trạm sạc hoặc công nghệ xe điện.
Trong những năm gần đây, dòng xe hybrid ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam với sự ra mắt của nhiều sản phẩm mới từ các hãng như Kia, Suzuki, Honda, Hyundai, và các hãng xe sang.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, tốc độ điện hóa tại Việt Nam vẫn chậm hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia. Nguyên nhân đến từ việc xe hybrid có lợi thế về việc giảm phát thải, nhưng chi phí sản xuất cao khiến quy mô thị trường khó mở rộng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã được Quốc hội khóa 15 thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô điện chạy pin (BEV) giảm mạnh từ 15% xuống còn 3%, áp dụng từ ngày 01/3/2022 đến 28/2/2027.
Nhưng xe hybrid (bao gồm HEV, PHEV) không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi thuế. Một chiếc xe hybrid dưới 9 chỗ ngồi vẫn áp dụng mức thuế của xe động cơ đốt trong có cùng dung tích xi lanh.
Cụ thể, thuế TTĐB dành cho xe có động cơ dưới 1.5L là 35%; xe từ 1.5-2.0L là 40%, xe từ 2.0-2.5L là 50%, xe từ 2.5-3.0L áp dụng mức 60%, từ 3.0-4.0L là 90%, trên 4.0-5.0L là 110%, trên 5.0-6.0L chịu 130% và 150% đối với xe trên 6.0L.
Riêng với xe Hybrid có tỷ trọng sử dụng năng lượng xăng không quá 70% được áp dụng thuế suất thuế TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy xăng, dầu có cùng dung tích xi lanh.
Năm 2022, VAMA kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với dòng xe hybrid như HEV, PHEV (xe lai giữa xăng và điện, có thể sạc được điện từ bên ngoài cho pin) để có sự chuyển đổi hài hòa sang xe thuần điện.
Đầu năm 2022, Quốc hội cũng đã quyết nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện chạy pin dưới 9 chỗ ngồi từ 15% xuống còn 3%. Mức thuế mới áp dụng từ tháng 3-2022, trong vòng 5 năm. Sau tháng 3-2027, thuế suất tiêu thụ đặc biệt với dòng xe điện chạy pin là 11%.
Nhưng trong khi đó, các dòng xe hybrid như HEV, PHEV… vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi này, đang bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 15% và lệ phí trước bạ 100% như xe xăng.
Tác giả: Nguyễn Triệu
Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn