Chiều 17/10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ sau hơn một năm gián đoạn. Tại cuộc họp này, nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc xử lý kỷ luật 2 Phó cục trưởng quản lý thị trường là ông Nguyễn Trọng Tín và ông Trần Hùng - liên quan tới vụ kiểm tra Công ty cổ phần Con Cưng.
Trả lời báo chí, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hôm qua (16/10) cơ quan này đã có báo cáo tổng thể vụ việc gửi Thủ tướng. Ông Linh nói, từ thời điểm có kết luận rà soát quy trình kiểm tra đến nay, quá trình xem xét kỷ luật cán bộ vẫn "đang được thực hiện, chưa có kết quả cuối cùng". Ông Linh hứa khi có kết luận kỷ luật cuối cùng sẽ công bố công khai.
Trước đó, ngày 3/10, Bộ đã công bố kết luận rà soát quy trình kiểm tra của quản lý thị trường tại Con Cưng. Theo đó, xác định hai Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường là ông Nguyễn Trọng Tín và ông Trần Hùng có dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định về phát ngôn của cơ quan này.
Theo kết luận rà soát của đoàn thanh tra Bộ, ông Tín đã có những phát ngôn chưa chính xác về sai phạm của Con Cưng tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia chống gian lận thương mại, buôn lậu và hàng giả (Ban 389). Còn ông Hùng đã cung cấp những thông tin liên quan tới vụ việc trong quá trình kiểm tra tại doanh nghiệp không đúng thẩm quyền.
"Việc làm của hai lãnh đạo lực lượng quản lý thị trường gây những hiệu ứng không tốt, hiểu sai, hiểu chưa đúng bản chất sự việc trong dư luận cũng như gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", kết luận của Bộ Công Thương nêu.
Đoàn thanh tra đề nghị Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xem xét, xử lý kỷ luật về đảng với ông Tín, ông Hùng. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường lý giải, các bước xem xét kỷ luật cán bộ phải tuân thủ đúng quy trình, đủ các bước: lập Hội đồng kỷ luật, nghe giải trình cá nhân liên quan, sau đó đánh giá, xem xét lấy phiếu và cuối cùng mới ban hành kết luận kỷ luật.
Một cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng tại TP HCM. Ảnh: Phương Đông |
Kết luận kiểm tra về chấp hành pháp luật sản xuất, kinh doanh của Con Cưng được Bộ Công Thương công bố giữa tháng 8, doanh nghiệp này không vi phạm bán hàng giả mạo xuất xứ như nghi vấn trước đó, mà chỉ mắc lỗi trong khuyến mãi, thương mại điện tử...
Sau khi công bố kết luận kiểm tra chính thức nhưng không phát hiện Con Cưng bán hàng giả như nghi vấn, Bộ Công Thương đã lập tổ công tác rà soát lại quy trình kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường trong vụ việc.
Hệ thống siêu thị Con Cưng vấp phải nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hoá từ khiếu nại của một khách hàng tại TP HCM khi mua một bộ quần áo thun có mã sản phẩm CF G127011. Khách hàng này cho rằng sản phẩm đã bị cắt tem nhãn, thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan". Từ khi bị nghi vấn, phía Con Cưng liên tục bác bỏ và đưa ra bằng chứng khẳng định mình không bán hàng giả, hàng nhái trong các thông cáo phát đi.
Thành lập từ năm 2011, chuỗi siêu thị mẹ và bé Con Cưng tập trung chủ yếu ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đầu năm 2017, Con Cưng đã nhận khoản đầu tư từ Daiwa-SSIAM II và bắt đầu mở rộng thị phần. Chỉ riêng số cửa hàng mở ra trong năm 2017 sau khi được "đỡ đầu" đã cao hơn số của 5 năm trước. Con Cưng hiện là chuỗi có quy mô lớn nhất trên thị trường với 318 siêu thị trên toàn quốc, bao gồm 288 siêu thị với thương hiệu Con Cưng và 30 cửa hàng ToyCity. |
Tác giả: Nguyễn Hoài
Nguồn tin: Báo VnExpress