Trong nước

Bộ có 181 Cục trưởng và chuyện “Bộ trong Bộ”

181 Cục trưởng thuộc Bộ Tài chính, 63 Cục trưởng thuộc Bộ KH&ĐT… là những con số được Chính phủ báo cáo trong quá trình Quốc hội thực hiện cuộc giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 vừa qua…

Cụ thể, thông tin về số biên chế, người làm việc tại các Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ trong báo cáo của Chính phủ thể hiện, đến hết tháng 12/2016, cả nước có tổng cộng 337 Cục trưởng, 767 Phó Cục trưởng, 218 Vụ trưởng, 593 Phó Vụ trưởng, 4599 Trưởng phòng và tương đương, 7021 Phó Trưởng phòng và tương đương để quản lý tổng số công chức 69.813 người…

Số lượng các chức danh cũng được liệt kê cụ thể tới từng Bộ. Đứng ở “top đầu” của danh sách, nhiều Bộ gây choáng với số công chức lãnh đạo lớn như riêng Bộ Tài chính có 181 Cục trưởng, 423 Phó Cục trưởng, Bộ KH&ĐT 63 Cục trưởng và 124 Phó Cục trưởng, Bộ Tư pháp là 57 Cục trưởng và 134 Phó Cục trưởng…

Thống kê cụ thể về số lượng biên chế tại các Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ

Qua đó, Chính phủ cũng xác nhận tình trạng chung là bộ máy vẫn còn cồng kềnh, tăng đầu mối bên trong, với nhiều tầng nấc trung gian. Số lượng cấp phó còn vượt quy định.

Những con số thể hiện khái quát tình trạng “lạm phát cấp phó” là tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên trên số công chức còn rất cao. So sánh thời điểm 2011 với tháng 12/2016, tại các Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556, tỷ lệ từ 1/6 lên 1/5.

Tương tự ở các Vụ, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619, tỷ lệ là 1/2 và 4/7. Điển hình, tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5.

Những con số này cũng tương ứng với báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội. Theo đó, cơ quan giám sát nhận định, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên.

Cụ thể, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn phổ biến theo mô hình truyền thống gồm Tổng cục, Cục, Vụ, văn phòng, thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập. Trong Tổng cục cũng có Cục, Vụ, văn phòng; trong Cục, Vụ, văn phòng có các chi cục, phòng, ban….

Cơ cấu tổ chức này tạo ra rất nhiều tầng nấc bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Việc có nhiều tổ chức bên trong Bộ được đánh giá là có ưu điểm là tăng cường tính chuyên môn hóa đối với từng mảng công việc, lĩnh vực quản lý, tăng tính cẩn trọng trong mỗi quyết định của Bộ trưởng do có sự nghiên cứu, tham mưu của bộ máy giúp việc.

Nhưng mặt khác, việc hình thành nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân trong Bộ có thể dẫn đến tình trạng “Bộ trong Bộ”, các lĩnh vực công tác bị chia nhỏ, cắt khúc, thiếu tính bao quát chung; tổ chức bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, đơn vị nào cũng phải duy trì bộ phận văn phòng, hành chính, do đó, số nhân lực cũng như kinh phí chi cho công tác quản trị tăng lên, trong khi nguồn lực của cơ quan lại phân tán, thiếu tập trung, không được sử dụng và phát huy được hiệu quả tối đa...

Cơ quan giám sát dẫn chứng, trong 5 năm (2011-2016), số đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ tuy tăng 28 đơn vị, còn số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị.

Xu hướng nâng cấp Vụ lên Cục diễn ra nhanh ở nhiều Bộ, có đến 29 Cục được thành lập trong thời gian này, trong đó có những Bộ tăng nhiều như Bộ Công an tăng 7 Cục, Bộ Tư pháp tăng 4 Cục, Bộ Thông tin, Truyền thông và Bộ Y tế tăng 3 Cục...

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội cũng từng mổ xẻ “bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang Bộ còn nhiều tầng lớp trung gian, tình trạng Bộ trong Bộ ngày càng nặng nề”.

Truy danh tính các cấp trung gian cũng như địa chỉ cụ thể của tình trạng “Bộ trong Bộ”, đại biểu Quốc hội cho rằng, đó chính là các Tổng cục trong Bộ, cấp Phòng trong các Vụ, Cục.

Những con số so sánh được đưa ra như trong 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ hiện tại, có 17 nơi có Tổng cục, còn lại 5 nơi không có mà vẫn hoạt động bình thường như các Bộ Xây dựng, GD-ĐT, Thông tin - Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, UB Dân tộc…

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP