Sau khi có thông tin Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên, việc tuyển dụng sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra” và giáo viên sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ lớn đã tạo nên nhiều tranh cãi xung quanh việc này.
Một số người cho rằng, bỏ công chức, viên chức sẽ giảm tải được sức ì của giáo viên. Tuy nhiên, đa phần giáo viên thì lại “than” rằng các nhà quản lý không hiểu được nỗi khổ của giáo viên, nhất là những giáo viên vùng sâu, vùng xa.
PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với PGS.TS, Nhà giáo Nhân dân Phạm Ngọc Trung (Nguyên trưởng khoa Văn Hóa và Phát Triển- Học viện Báo chí”.
PGS.TS cho rằng: “Để đào tạo được một giáo viên sẽ mất từ 2-3 năm. Khi ra trường chưa chắc họ sẽ đứng lớp được ngay mà còn phải mất một thời gian tập sự, sau đó một giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu và hoàn thành nhiệm vụ. Mà hơn hết, lương của giáo viên chỉ được theo cấp bậc.
Có thể, trong thực tế cũng có không ít người khi phấn đấu vào công chức, viên chức thì họ lại không say mê chuyên môn, họ vừa dạy học vừa buôn bán, dạy thêm để kiếm thu nhập, không phấn đấu chuyên môn nghề nghiệp và chỉ chờ đến hẹn để tăng lương thôi, đó là cái không tốt.
Tuy nhiên, với mô hình hiện tại trong ngành giáo dục thì giáo viên sẽ gắn bó hơn, họ yên tâm công tác và cống hiến. Bởi nếu giáo viên đang từ công chức viên chức mà chuyển xuống hợp đồng họ sẽ thấy cuộc sống của mình không ổn định, nhiều người sẽ xin nghỉ việc. Khi đó chúng ta lại đối mặt với việc thiếu lực lượng giảng dạy, nhất là hệ thống mầm non và tiểu học. Nhiệt huyết và niềm tin sẽ giảm, giáo viên không còn say mê với nghề”.
PGS.TS, Nhà giáo Nhân dân Phạm Ngọc Trung chia sẻ về việc bỏ biên chế giáo viên. |
Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, khi bỏ công chức viên chức giáo viên thì rất có thể nhiều trường học không còn được bao cấp như mô hình hiện tại thì nhà trường sẽ nghĩ ra nhiều cách biến tướng đi để thu thêm tiền của học sinh, sinh viên. Không chỉ còn là học thêm dạy thêm mà khi ấy sẽ “đẻ” ra hàng trăm loại phụ phí khác như: Xây dựng trường học, lắp điều hòa, sửa chữa trường lớp, vườn cây… Phụ huynh học sinh có nhiều người không muốn theo nhưng họ buộc phải đóng tiền vì con họ đang học trong trường. Quả thực nếu như vậy thì việc bỏ công chức, viên chức sẽ chỉ làm cho gánh nặng đối với người dân.
Còn sự đãi ngộ cho giáo viên khi chuyển sang chế độ hợp đồng, liệu có sự công bằng không? Khi ấy lại phải phụ thuộc vào người đứng đầu của trường và liên quan đến vùng miền. Các trường ở những khu công nghiệp, đô thị giàu có phụ huynh sẵn sàng đóng góp. Nhưng còn vùng quê, miền núi nghèo dân họ không có tiền đóng góp cho những khoản khác ngoài tiền học thì làm sao mà có đãi ngộ lớn được. Khi ấy nếu chỉ yêu cầu nhiệt huyết thôi thì chưa đủ, giáo viên cũng cần lo cho cuộc sống của gia đình mình. Vậy muốn ổn định phải có chính sách lâu dài cho hàng triêụ cán bộ giáo viên.
“Ngay như chúng ta nhìn thấy trước mắt các trường tư thục hiện nay chỉ con nhà khá giả mới dám vào học. Trường công lập, đa phần con công nhân, nông dân và nghèo. Nếu tất cả cũng như nhau thì vùng sâu vùng xa, con nhà nghèo không thể đóng góp được tiền theo học, họ sẽ bắt con bỏ học và tình trạng thất học ngày càng gia tăng.
Với các nước trên thế giới, trường học đều như một doanh nghiệp, giờ chúng ta đang muốn học theo mô hình của nước ngoài. Nhưng theo mô hình đó là loại doanh nghiệp đặc biệt, truyền bá tri thức, đào tạo con người chứ không phải doanh nghiệp sản xuất ra những thứ vô tri vô giác. Nên dù có làm gì hay thay đổi mô hình thì chúng ta cần phải cân nhắc và làm từng bước, có ví dụ điển hình. Không nên đại trà ở các tỉnh, thành. Bởi nếu đời sống giáo viên khó khăn, trường lớp không ổn định học sinh sẽ thiệt thòi. Nên phải làm sao giữ được sự ổn định cũng như đảm bảo được chất lượng cho giáo viên”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết.
Tác giả: Mai Thu
Nguồn tin: Báo Người đưa tin