Biệt phủ 4000m2 của “vua Mèo” xứ Bắc Hà
Hoàng A Tưởng là người Tày nhưng cai trị ở địa phương có trên 80% dân số là dân tộc Mông nên được mệnh danh là “vua Mèo”. Dinh thự của vị vua này nằm ở thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, trên đường lên Si Ma Cai.
“Biệt phủ” của Hoàng A Tưởng đã được sơn vàng và trùng tu lại. (Ảnh: mytour) |
Trong suốt thời gian trị vì, do có sự ủng hộ của thực dân Pháp nên cha con Hoàng Yến Chao - Hoàng A Tưởng ra sức bóc lột nhân dân. Hoàng A Tưởng mỗi năm thu không của dân 500kg thuốc phiện, ép dân bán rẻ 500kg, đứng đầu đường dây buôn bán thuốc phiện và hàng hoá xuyên Á qua ngả Bắc Hà.
Dinh thự của Hoàng A Tưởng xây dựng trong vòng 8 năm trời (1914-1921), vật liệu bao gồm: đá, vôi, cát, mật mía khai thác tại địa phương, còn ximăng, sắt thép thì được chở bằng máy bay và ngựa thồ từ Hà Nội và Lào Cai lên. Khu dinh thự có sự kết hợp giữa lối kiến trúc cổ của Pháp thế kỷ 17-18 với kiến trúc nhà sàn của người Tày, rất hài hoà nổi lên giữa vùng núi non hùng vĩ.
Mọi lối vào được thiết kế mái vòm. (Ảnh: vov) |
Việc chọn đất, hướng nhà, kiến trúc do hai kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc thiết kế và trực tiếp thi công. Dinh thự Hoàng A Tưởng quay hướng Đông Nam, lưng tựa vào núi Cô Tiên, đúng theo thuyết phong thuỷ của người Tàu: “Tựa sơn đạp thuỷ”, thế rất vững chãi. Tổng diện tích toàn khu nhà lên tới 4.000 m².
Ngôi nhà từng quyền lực bậc nhất trên đỉnh cao nguyên trắng này mang trong mình nhiều câu chuyện và những vị khách phương xa ghé thăm sẽ nghe với nhiều phiên bản khác nhau. Qua gần 100 năm lịch sử, dinh Hoàng A Tưởng là hình ảnh rõ nét nhất cho một thời quyền lực xa xưa.
Dinh thự 150 tỷ của nhà họ Vương
Nhà Vương là dinh thự kiêm pháo đài của dòng họ Vương, dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn. Hơn một thế kỷ trước, với nghề trồng và buôn thuốc phiện, dòng họ Vương đã thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn và được bà con gọi là vua Mèo. Chủ nhân căn nhà là ông Vương Chính Đức (1865 – 1947).
Một phần dinh thự 150 tỷ của “vua Mèo”. (Ảnh: Hoàng Ngọc) |
Dinh thự nhà Vương được xây dựng không kể ngày đêm và thi công trong vòng 8 năm mới xong, tổng diện tích lên đến 1.120m2. “Trước khi bắt tay vào xây nhà, cụ Vương Chính Đức sang Trung Quốc nhờ thầy phong thủy đi xem xét khu vực 4 huyện cụ đang cai quản để chọn địa thế đất. Cuối cùng, cụ quyết định dừng chân tại thôn Sà Phìn”, chị Vương Thị Chở, người cháu gái họ xa của vua Mèo kể lại.
“Ở đây có một khối đất nổi lên cao như hình mui con rùa, tượng trưng cho thần kim quy. Thầy phong thủy cho rằng, nếu xây dựng dinh thự tại đây thì sự nghiệp của cụ Vương Chính Đức sẽ thành về sau”.
Nhà Vương vừa là nơi ở, vừa là pháo đài, có khả năng chiến đấu và phòng ngự. (Ảnh: Hoàng Ngọc) |
Thời điểm xây dựng dinh thự, nơi đây không hề có công cụ trợ giúp, đường sá thì hiểm trở vô cùng. Do đó, tất cả các vật liệu bằng đá đều do chính người dân đục đẽo bằng tay rồi vận chuyển từ cách đó 7 km.
Số tiền cụ Vương Chính Đức thuê thiết kế nhà mất khoảng 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương của Pháp, tương đương với 150 tỷ đồng tiền Việt Nam. Đặc biệt, căn nhà còn có những chân cột nhà bằng quả cầu đá mang hình quả anh túc, được những thợ giỏi nhất ở Vân Nam thời đó chạm khắc rồi dùng bạc trắng Đông Dương mài cho bóng.
Để đánh được một chân cột đá như thế, cụ Vương Chính Đức đã phải bỏ ra 900 đồng bạc trắng, tương đương với 1 tỷ đồng tiền Việt Nam. Đó chỉ mới là tiền đánh bóng, chưa kể tiền đục đẽo, vận chuyển hai chân cột đá từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) về Đồng Văn.
Dinh thự Đèo Văn Long
Nếu như miền đất cao nguyên đá Đồng Văn có vua mèo Vương Chí Sình, xứ Bắc Hà (Lào Cai) có vua Hoàng A Tưởng, thì mảnh đất Tây Bắc cũng từng có vị vua cai quản 12 xứ Thái, đó là vua Đèo Văn Long.
Trong lịch sử hình thành hơn 100 năm của hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, hơn nửa thế kỷ vùng đất này nằm dưới sự cai trị của dòng họ Đèo. Hiện nay tại xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) còn đó khu phế tích dinh thự của vua Thái, ghi dấu một thời thống khổ của nhân dân.
Dinh thự vua Thái giờ đã không còn nguyên vẹn. (Ảnh: cungphuot.info) |
Dinh thự Đèo Văn Long nằm ở ngã tư nơi gặp nhau của con sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay, nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Dinh thự Đèo Văn Long được xây dựng tại một vị trí hiểm yếu, sau lưng là núi cao, trước mặt là sông rộng. Ở vị trí yết hầu đó có thể khống chế được con đường lên Phong Thổ, Sa Pa, Mường Tè và xuôi về Hòa Bình, cũng như qua ngả Điện Biên sang Lào.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đèo Văn Long mang vợ con chạy sang Pháp. Dinh thự không có người ở, lâu ngày đã bị đổ nát, trở thành phế tích. Những gì còn sót lại cho thấy kiến trúc của khu nhà là sự kết hợp giữa kiến trúc nhà sàn của người Thái với kiến trúc của người Pháp.
Khu nhà chính được xây hai tầng bằng gạch đỏ, sàn gỗ. Xung quanh đó là những khu nhà nhỏ dành cho người ở và binh lính, bốn phía tường bao xây bằng gạch và đá dày trên 40cm, có nhiều lỗ châu mai cao trên 3m.
Một góc tưởng của dinh thự. (Ảnh: Internet) |
Trước khu nhà có sân rộng để múa xoè khi tổ chức tiệc tùng. Mái lợp ngói tách ra từ những phiến đá - người dân gọi là đá giấy, lúc mới tách đá mềm có thể dùng dao cắt được, nhưng khi gặp nắng đá trở nên cứng như sành.
Trước đây, tỉnh Lai Châu có dự kiến trùng tu dinh thự Đèo Văn Long, nhưng sau tháng 10/2010, khi nước hồ Sơn La dâng thì toàn bộ khu dinh thự của ông “vua Thái” đều nằm dưới thủy cung.
Tác giả: Hoàng Ngọc
Nguồn tin: Báo Dân trí