Trong nước

Biệt động Sài Gòn - Những anh hùng vô danh!

Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ghi dấu ấn của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ - Biệt động Sài Gòn. Thế nhưng, đã mấy mươi năm trôi qua, câu hỏi những người anh hùng bất tử ấy là ai, vẫn là nỗi trăn trở của người ở lại.

Ngày 28/1, Bộ Tư lệnh TPHCM và Ban Tuyên giáo TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân hỏi thăm sức khỏe nhân chứng lịch sử của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (ảnh: Tr.H)

PGS.TS Phan Xuân Biên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - cho biết lực lượng “biệt động” là lực lượng võ trang đặc biệt hoạt động trên chiến trường đô thị, tiêu biểu là Sài Gòn – Gia Định. Lực lượng biệt động có có cả trai lẫn gái, từ thiếu niên đến người cao tuổi ở mọi thành phần xã hội đô thị.

Theo ông Biên, biệt động thường trà trộn trong dân hoặc lọt vào hàng ngũ địch để tiếp cận mục tiêu, rồi lên kế hoạch hành động cực nhanh, dứt khoát, quyết liệt và nhanh chóng rút khỏi khu vực chiến đấu.

Vì vậy, phương thức chiến đấu đánh giữ mục tiêu với thời gian dài như trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mâu Thận 1968 không phải là sở trường mà là sở đoản của biệt động. Dù phải dùng sở đoản song với mưu trí và lòng dũng cảm vô song, lực lượng biệt động đã lập chiến công.

Ông Biên nhận định, một số đơn vị biệt động phải chịu hy sinh lớn song đã mở đầu xuất sắc cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân ở Sài Gòn. Các trận đánh vào cơ quan đầu não của địch đã gây tiếng vang lớn, tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt, xứng đáng là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta…

Trả lời câu hỏi: “Biệt động Sài Gòn - Bây giờ anh ở đâu?”, ông Phan Xuân Biên cho biết ngoài một số người đã ra đi trong chiến tranh, nhất là trong Tết Mậu Thân 1968, số còn lại ra quân trở về cuộc sống bình thường với nhiều khó khăn. Không biết lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa đến bây giờ ai còn, ai mất, ai ở đâu.

“Đọc danh sách những chiến sĩ đã hy sinh với những chú thích “tên giả”, “tên thật nhưng không biết họ” không ai không động lòng. Cha mẹ sinh ra đều có tên có họ, vậy mà lúc ra đi được gọi là vô danh”, ông Biên nghẹn ngào.

Lực lượng biệt động ra đời sớm nhưng cũng sớm giải thể sau khi đất nước thống nhất. Những người ở lại còn nhiều trăn trở với đồng đội, đồng chí đã hy sinh anh dũng.

Ông Nguyễn Quốc Độ - Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang Biệt động - cho biết: “Năm mươi năm qua, điều trăn trở và cũng là món nợ chưa trả đối với đồng chí, đồng đội trong lực lượng biệt động là 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân vào 5 mục tiêu nhưng đến nay chỉ tìm được 1 hài cốt”.

Trong khi đó, ông Phan Xuân Biên Biên lấy dẫn chứng về sự hy sinh của đội biệt động tấn công vào Đại sứ quán Mỹ. Dù hy sinh trong khuôn viên sứ quán, nằm ngay trong lòng thành phố nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Từ đó, ông Biên đề nghị cần tiếp tục xây dựng những công trình tưởng niệm các chiến sĩ biệt động ở những nơi đã ghi dấu chiến công oanh liệt của họ.

Ông Nguyễn Quốc Độ mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Nhà nước và quân đội trong việc tìm kiếm hài cốt các chiến sĩ hy sinh, để quy tập về Nghĩa trang TP.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, nhất là về chế độ chính sách đối với lực lượng biệt động.

Theo ông Nhân, các chiến sĩ biệt động không có quân hàm, số hiệu, không có đơn vị, không có kinh phí hỗ trợ. Lực lượng biệt động tự làm, tự nuôi và dựa vào nhân dân mà chiến đấu. Chính sách đã làm được nhiều nhưng cần phải nhiều hơn nữa, chăm lo thiết thực cho những người có công với cách mạng.

Tác giả: Quốc Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP