Giáo dục

Biến trường học thành… chợ

Để tiếp thị cho sản phẩm đạt hiệu quả nhanh chóng, nhiều công ty tìm tới trường học. Việc tiếp thị này thường được các công ty hợp thức hóa bằng văn bản triển khai từ các cơ quan quản lý giáo dục như sở, phòng hoặc trường.

Minh họa: DAD

Stem ào ạt vào trường học

Năm học này, học sinh (HS) ở một số trường THCS tại Q.3, TP.HCM nhiều lần phải tập hợp tại sân trường để nghe các công ty giới thiệu sản phẩm. Trong đó có công ty quảng cáo về STEM. Theo giải thích của một số nhân viên tiếp thị thì STEM là một môn nghề tự chọn sẽ được triển khai trong các trường THCS trong năm học này, thay cho các môn nghề ít người lựa chọn như mộc, dinh dưỡng; thậm chí còn cho rằng “STEM là phương pháp giáo dục tiên tiến của thế giới duy nhất và độc quyền tại VN”.

Lãnh đạo của một số trường THCS giải thích rằng STEM là môn nghề thuộc dự án học tập theo định hướng khoa học hiện đại, do Phòng GD-ĐT Q.3 triển khai. Các trường đều phải sử dụng và giáo viên (GV) cũng phải đi tập huấn về chương trình này. Năm nay, các trường đưa vào thử nghiệm dưới hình thức cho HS đăng ký. Sau khi tập hợp danh sách HS, chuyên viên của STEM đến dạy miễn phí tại trường.

Tuy nhiên, phó hiệu trưởng một trường tại Q.3 cho biết: “Hiện tại chưa triển khai về kinh phí nhưng nếu chọn học bộ môn này thì HS sẽ phải mua bộ đồ nghề để lắp ráp robot trong lúc học”. Ông này nói thẳng: “Gọi là dạy miễn phí tại trường nhưng thực ra là tính vào tiền mua thiết bị”.

Trong khi đó, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “STEM không phải là nghề mà chỉ là một phương pháp học mới, phương pháp nghiên cứu, tiếp cận mới giúp HS thích ứng với thời đại phát triển nhanh. Tuy nhiên, không thể nhầm lẫn nó là một môn nghề. Năm học 2016 - 2017 Sở GD-ĐT TP.HCM có họp để triển khai việc mở rộng một số môn nghề mới với các trường THPT và phòng giáo dục, trong đó có đề cập tới STEM như là một công cụ hỗ trợ cho môn tự động hóa ứng dụng (một môn nghề mới đang lên chương trình để chuẩn bị triển khai trong năm học 2016 - 2017) trong các trường trung học. Có thể trong quá trình triển khai về các trường THCS thì một số phòng giáo dục đã nhầm lẫn về bản chất của STEM”.

Hiện nay, phụ huynh HS nhiều trường tiểu học cũng thường xuyên nhận được thư ngỏ của nhà trường phối hợp với các công ty tổ chức các khóa học về STEM cho HS. Sau thời kỳ sôi nổi các lớp học về kỹ năng, giờ đây có vẻ các chương trình STEM đang ào ạt đổ bộ vào các trường.

Họp hội đồng tranh thủ giới thiệu máy lọc nước

GV một trường tiểu học tại TP.HCM kể: “Việc doanh nghiệp vào trường tiếp thị sản phẩm là rất thường xuyên. Có lần cả trường đang họp hội đồng trong phòng GV thì có một nhóm người lạ xưng danh một công ty vào giới thiệu sản phẩm. Khi mọi người còn đang thắc mắc thì thầy hiệu trưởng đứng ra giới thiệu trang trọng đây là công ty đang đi giới thiệu máy lọc nước trong nhà trường. Sau đó, họ phát cho mỗi GV một tờ đăng ký mua hàng. Nhiều người không muốn mua nhưng vì nể thầy hiệu trưởng nên điền đại thông tin. Sau đó công ty này liên tục gọi điện hỏi thời điểm thích hợp để tới nhà lắp đặt làm chúng tôi rất khó xử”.

Đầu năm học được xem là thời điểm “vàng” để các công ty tiếp thị vào trường học. Các công ty bán truyện tranh, cờ tướng, cờ vua, sách tham khảo… liên tục gửi thư ngỏ giới thiệu và bán sách cho HS. Một GV ở Q.Bình Tân cho biết: “Năm nào cũng có các công ty bán sách, truyện tranh tới trường tiếp thị. Có khi đang trong tiết dạy, họ lại xen ngang nói là cho xin vài phút để giới thiệu sách. Ngoài ra, họ cũng gọi chúng tôi ra ngoài nói riêng. Họ đề nghị chúng tôi giới thiệu để HS mua truyện. Nếu HS đăng ký nhiều chúng tôi sẽ được trích 10% hoa hồng”.

GV này nói thêm: “Vì thấy đằng nào HS cũng phải mua, nên hầu hết GV đều vận động để HS đăng ký. Có lớp tất cả HS đều đăng ký mua truyện, sách tham khảo nên danh sách rất đông. Tiền hoa hồng cũng được một khoản khá”.

Có văn bản chỉ đạo từ cấp trên

Việc các doanh nghiệp vào trường không chỉ tác động tới GV, HS mà đôi khi còn gây áp lực cho những lãnh đạo trực tiếp. Một trưởng phòng GD-ĐT tại TP.HCM bức xúc: “Dưới dạng văn bản thường là tự nguyện, đôi khi là bắt buộc, Sở thường giới thiệu các công ty xuống phòng. Nhận được chỉ đạo, phòng phải triển khai xuống trường. Sau đó là yêu cầu các trường triển khai tới phụ huynh, HS. Đôi khi có những việc phòng không muốn nhưng do cấp trên chỉ đạo nên buộc phải làm”. Vị này bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng trường học là nơi để dạy học chứ không phải là cái chợ để đủ thứ sản phẩm tràn vào tìm đối tượng để bán”, và cho biết: “Chỉ riêng việc bán sách tiếng Anh thôi mà năm nào phòng và các trường cũng đau đầu vì các chỉ đạo của Sở. Đầu năm hàng loạt công ty sách tới “chào hàng”, đưa ra đủ thứ ưu đãi. Chỉ cần không dứt khoát là nhà giáo cũng rất dễ trở thành con buôn”.

Một trưởng phòng giáo dục khác tại TP.HCM thừa nhận rất mệt mỏi vì việc các công ty sách, truyện… tới phòng nhờ viết giấy giới thiệu xuống trường. “Vì sợ ảnh hưởng tới việc giảng dạy và học tập của các trường nên chúng tôi rất hạn chế giới thiệu. Chỉ một số loại sách tham khảo thì cho phép nhưng cũng rất ít. Tuy nhiên với những sản phẩm đã liên hệ trước với Sở, có giấy giới thiệu chúng tôi buộc phải làm giấy đưa xuống trường. Lúc này xử lý thế nào thì các trường phải tự linh động”, vị này nói và cho biết thêm: “Ngoài văn phòng phẩm thì hầu như năm nào Sở GD-ĐT TP.HCM cũng giới thiệu các công ty sữa xuống phòng, sau đó phòng sẽ đưa về các trường để triển khai”.

E ngại khái niệm về STEM bị lạm dụng

PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: “STEM là chữ viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM hướng đến việc cung cấp các kiến thức và kỹ năng liên quan đến 4 lĩnh vực này. Vì thế, STEM được hiểu rất rộng. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục STEM là khuyến khích HS đam mê với khoa học và công nghệ”.

Cũng theo ông Quân, việc coi giáo dục STEM là một môn nghề trong trường phổ thông là quyết định thuộc về các cấp quản lý có trách nhiệm và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tính kế thừa và liên tục của hệ thống các môn học STEM, nguồn GV dạy STEM cũng là những điểm cần xem xét trước khi quyết định. Nếu chỉ đơn thuần là mua sắm trang thiết bị thì e rằng khái niệm về STEM sẽ bị lạm dụng.

Đăng Nguyên (ghi)

Tác giả bài viết: Lam Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP