Ngày 7/6 tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh và Bộ GD&ĐT, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng tuyên bố, năm học tới sẽ quyết liệt xóa dạy thêm học thêm trong nhà trường bởi dạy thêm, học thêm không phù hợp với xu thế hội nhập và làm ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục thành phố.
Theo nhiều giáo viên, nhu cầu cho con đi học thêm ngay trong trường học và với ngay chính giáo viên đang dạy học trò tại lớp là nhu cầu có thật của phụ huynh.
Theo nhiều giáo viên, nhu cầu cho con đi học thêm ngay trong trường học và với ngay chính giáo viên đang dạy học trò tại lớp là nhu cầu có thật của phụ huynh.
Tại sao phụ huynh lại có nhu cầu bức thiết phải cho con học thêm? (Ảnh: tuoitre.vn)
Tuyên bố “dẹp” học thêm trong nhà trường này của Bí thư thành ủy Đinh La Thăng trong nhà trường gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là phía đội ngũ giáo viên.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, dạy thêm, học thêm xét về bản chất là không hề xấu. Vì đó là hoạt động truyền đạt và lĩnh hội kiến thức giữa thầy và trò, ra đời và tồn tại chủ yếu do nhu cầu xã hội, do quy luật cung – cầu.
Bởi nếu phụ huynh không có nhu cầu cho con học thêm thì làm sao giáo viên có điều kiện dạy. Và nếu giáo viên dạy không tốt thì làm sao phụ huynh tin tưởng để gửi gắm con cái mình.
Theo lý giải của một cô giáo Tiểu học (giảng dạy tại một tỉnh vùng Tây Nguyên) cho rằng, tuyên bố của Bí thư Đinh La Thăng đúng nhưng chưa phản ánh hết mong muốn, nhu cầu của phụ huynh.
Bởi trong điều kiện còn khó khăn, nhiều phụ huynh đi làm suốt ngày, không có thời gian chăm sóc con cái nên họ muốn cho con đi học thêm để vừa có người trông con, vừa có người dạy con mở mang, ôn luyện kiến thức nâng cao mà lại tránh được những nguy hiểm như sông, hồ…
Hơn nữa, sách giáo khoa chỉ cung cấp lượng kiến thức cơ bản mà học sinh muốn tham gia các cuộc thi này, nọ thì buộc phải ôn luyện kiến thức nâng cao. Nếu không học thêm thì ai sẽ cung cấp cho các em?
Thầy cô giảng dạy là một nghề thì việc dạy thêm không sai. Có sai là do cách quản lý chưa tốt.
“Theo tôi,để việc dạy thêm không trở nên biến tướng thì giáo viên muốn dạy thêm phải đăng ký với Ban giám hiệu, có nghĩa là Ban giám hiệu là người đứng ra bảo lãnh cho giáo viên đó đồng thời là người kiểm soát chất lượng học sinh của lớp đó.
Khi đó, Ban giám hiệu sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thầy cô đó phải chịu trách nhiệm trước nhà trường, chịu hình phạt tương ứng nếu có trường hợp phụ huynh khiếu nại về việc bắt ép, dùng điểm số... để học sinh phải đi học thêm”, cô giáo Tiểu học nêu giải pháp.
Câu chuyện cho con đi học thêm được bàn luận rôm rả khi báo Vietnamnet.vn đưa thông tin có một phụ huynh khẳng định: “Tôi đố em nào không học thêm mà đỗ vào công lập”.
Là một giáo viên dạy Ngữ Văn lớp 9 nhiều năm, có kinh nghiệm trong việc ôn luyện học sinh thi vào lớp 10, thầy N.V.K (giảng dạy tại An Giang) cho rằng:
“Thi cử sẽ có những câu hỏi nâng cao để chọn lọc học sinh nên nhiều học sinh có nhu cầu đi học thêm, bởi lẽ với thời gian 45 phút/tiết trên lớp thì chúng tôi chỉ truyền tải được kiến thức cơ bản.
Riêng đối với môn Văn, muốn có kỹ năng thì học sinh cần phải học thêm vì thời gian trên lớp chỉ đủ dạy kiến thức.
Hơn nữa, khoảng thời gian nghỉ cuối năm học tới khi tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là khá nhiều nên học sinh muốn đi học thêm để ôn tập lại kiến thức là đúng”.
Tác giả bài viết: Thùy Linh