Các thợ mỏ khai thác thủ công kim cương ở mỏ Marange thuộc miền đông Zimbabwe. (Nguồn: Human Rights Watch) |
Cụ thể, tờ Business Live cho biết, trong năm 2012, giới chính trị cấp cao và quân sự Zimbabwe đã đánh cắp số kim cương trị giá khoảng 2 tỷ USD.
Thêm nữa, một cuộc điều tra của nghị viện năm 2013 trong ngành kim cương đã phát hiện ra những bất thường và những sơ hở trong chuỗi kinh doanh kim cương của Zimbabwe khi có sự khác biệt rõ ràng giữa các số liệu của chính phủ và số liệu do các nhà khai thác mỏ cung cấp.
Đáng nói, chỉ mới năm ngoái, tổ chức giám sát tham nhũng Global Witness cho biết, họ đã khám phá thêm bằng chứng cho thấy công ty Zimbabwe Mining Development Corporation (ZMDC) thuộc sở hữu của Nhà nước đã được cảnh sát mật của nước này thành lập để bảo đảm một nguồn tài chính bí mật cho riêng chính phủ.
Theo nhiều tờ báo địa phương, tổ chức này cũng cho biết, với số lượng kim cương trị giá 2,5 tỷ USD của Zimbabwe chính thức được xuất khẩu từ năm 2010, chỉ có 300 triệu USD được ghi rõ trong tài khoản công khai.
Bên cạnh đó, các nhà hoạt động nhân quyền cũng buộc tội quân đội Zimbabwe đã buôn lậu đá quý ra khỏi đất nước làm thất thoát tài sản đất nước.
Cựu Tổng thống Zimbabwe, ông Robert Mugabe trước đây cũng nói rằng, có thể 15 tỷ USD đã bị cướp từ các mỏ kim cương.
Tuy nhiên, ông Emmerson Mnangagwa, Tổng thống mới nhậm chức cho biết rằng con số mà cựu Tổng thống đã thừa nhận chỉ một ngón tay út so với tổng số tiền bị thất thoát.
Chính bởi vậy, Zimbabwe có thể sớm bỏ yêu cầu Nhà nước sở hữu 51% doanh nghiệp trong các ngành kim cương và bạch kim nhằm nỗ lực tái thu hút các quỹ đầu tư quốc tế, hạn chế chi tiêu và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhằm khôi phục nền kinh tế đang bị tàn phá của nước này.
Theo đó, nhiều nguồn tin cho rằng, luật bản địa hóa nhằm tăng tỷ lệ người lao động da đen ở Zimbabwe đang được thực hiện không rõ ràng và có thái độ lạm dụng.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ thực hiện trong ngành kim cương và bạch kim. Tới khi mọi chuyện đã ổn định và hoạt động trơn tru, chúng tôi sẽ nghĩ tới mở rộng cả những ngành khác”, vị tổng thống 75 tuổi nói trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông ở thủ đô Harare.
Trên thực tế, Zimbabwe là nơi có trữ lượng kim cương và bạch kim lớn thứ hai thế giới. Đây cũng là nước có 8 trong số 9 khoáng chất “đất hiếm” và trữ lượng lớn vàng, lithium, than đá và quặng sắt.
Tác giả: Hồng Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí