Tặng bạn cây “siêu khủng”
Ngày 4/4, PV báo Tiền Phong đã đến những địa phương được nhắc đến trong hồ sơ cung cấp cho kiểm lâm để xác minh nguồn gốc 3 cây “siêu khủng” này. Lãnh đạo UBND xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, Đắk lắk) không xác nhận có việc khai thác cây siêu khủng nào từ địa phương này, còn UBND xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) công nhận có một cây được khai thác tại xã, nhưng là cây đa mọc trong rẫy của người dân.
Vị trí khai thác gốc cây đa “siêu khủng” tại rẫy nhà ông Thướng |
Theo ông Trần Văn Cảnh - Phó chủ tịch UBND xã Ea Pil, cây đa sộp “siêu khủng” được khai thác tại địa phương có đường kính gốc 1,8m, ngọn 65cm, dài 8m, khối lượng 9,043m3. Cây này được bứng đi vào ngày 12/3 tại khu đất nông nghiệp của ông Phạm Đình Thướng ở thôn 3 xã EaPil.
PV Tiền Phong tìm gặp ông Thướng. Ông Thướng kể, do cây rợp bóng chiếm nhiều diện tích đất canh tác, nên ông đã đồng ý giao cây cho một người tên Lương Anh Tuấn đưa về xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
“Khi nhận được đơn xin khai thác cây, tôi cũng đã xác nhận vào đơn là đúng ông Thướng có hộ khẩu tại địa phương. Cán bộ địa chính xã cũng đã cùng cán bộ kiểm lâm huyện xuống hiện trường, đúng cây đa nằm trong rẫy ông Thướng nên cho khai thác, vận chuyển đi”, ông Cảnh cho hay.
Một số cành ngọn cây đa “siêu khủng” còn lại tại rẫy nhà ông Thướng |
PV báo Tiền Phong đã có mặt tại khu vực rẫy rộng hơn 12ha trồng nhiều loại cây ăn trái của gia đình ông Phạm Đình Thướng. Đích thân chủ rẫy dẫn PV đến khu vực cây đa sộp đã bị bứng gốc. Cây đa này nằm ở đoạn giáp suối cạn và hồ nhân tạo mới đào. Tán rộng của cây cổ thụ này đã khiến những cây nhãn, mắc ca trồng tại đây không sinh trưởng được, nên ông Thướng muốn đốn bỏ.
“Tôi có người bạn tên Kiên nói có người muốn mua cây đa để đem về ngoài Bắc cúng chùa. Tôi cũng đang muốn đốn cây nên đã đồng ý cho bạn bứng cây đa đi. Lúc này máy múc gia đình đang làm ao gần đó nên múc gốc cho bạn luôn, bạn trả tiền dầu và đưa người vào khai thác, chở đi. Các giấy tờ cũng do những người khai thác cây làm, rồi cây mang đi đâu thì tôi không biết”, ông Thướng chia sẻ.
Đường vận chuyển cây đa “siêu khủng” ra khỏi rẫy nhà ông Thướng |
Còn ông Lê Văn Ba - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm M’Đrắk, cho biết: Sau khi kiểm tra, cán bộ kiểm lâm xác định cây đa nêu trên trong diện tích đất nông nghiệp của gia đình ông Thướng nên đã cho khai thác, vận chuyển. Việc cấp quyền khai thác do UBND xã phụ trách, cán bộ kiểm lâm chỉ đi theo để kiểm tra, xác nhận tính pháp lý.
Ông Ba nói: “Theo quy định, những cây có nguồn gốc từ rừng nhưng nếu nằm trên diện tích đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chủ đất có quyền khai thác, vận chuyển sau khi có đơn, được xác nhận từ cấp xã. Các cây rừng trên đất nông nghiệp chưa có bìa đỏ, trên đất lâm nghiệp đều không được khai thác nếu không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền”.
Xã phủ nhận khai thác cây “siêu khủng”
Cũng theo hồ sơ người tự xưng là chủ 3 cây “siêu khủng”, hai cây còn lại được khai thác tại vườn nhà bà H’Yô Na Byă (ở thôn 4 xã Ea Hồ, huyện Krông Năng). Cả 2 cây cùng có đường kính 1,4m, cao 12m và được bán cho ông Đinh Công Quân (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) để đưa về một ngôi chùa tại huyện này trồng. Đơn xin khai thác, vận chuyển hai cây đa sộp mua của bà H’Yô Na Byă đã được bà H’Phi La Nê (Phó chủ tịch UBND xã Ea Hồ) ký xác nhận vào ngày 23/3.
Khu vực khai thác cây đa “siêu khủng” tại rẫy nhà ông Thướng |
Nhưng ông Nguyễn Văn Tiếp (Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Krông Năng) lại khẳng định vào thời gian nêu trên tại xã Ea Hồ không có cây gỗ siêu khủng, cây cổ thụ nào được khai thác, vận chuyển đi. “Chúng tôi đã cho kiểm tra và khẳng định thời gian trên không có cây đa nào được khai thác ở xã Ea Hồ. Duy nhất chỉ có một cây đa sộp đã được khai thác tại xã Tam Giang và đơn vị đã báo cáo”, ông Tiếp cho hay.
Cành ngọn cây đa “siêu khủng” còn sót lại tại rẫy nhà ông Thướng |
Trong lúc đó, bà H’Phi La Niê (Phó chủ tịch UBND xã Ea Hồ, người ký tên, đóng dấu vào đơn xin khai thác hai cây đa sộp này) khẳng định bà không hề ký giấy xin khai thác của bà H’Yô Na Byă (ở thôn 4, xã Ea Hồ) và đơn xin vận chuyển của ông Đinh Công Quân vào thời gian nêu trên. Trong tháng 3/2018, bà cho biết cũng không xác nhận cho bất cứ người dân nào khai thác, vận chuyển cây đa, cây cổ thụ nào cả.
“Tôi chỉ ký cho một số hộ dân có cây muồng, cây vú sữa trên diện tích cà phê của các gia đình này. Chỉ duy nhất vào khoảng tháng 11/2017, tôi có ký giấy xác nhận cho ông Y Nôk Mlô ở trú Buôn Đê, xã Ea Hồ khai thác một cây đa sộp lớn. Ông Y Nôk ở cùng buôn với tôi, có cây đa rất to, sợ gãy đổ mất an toàn nên xin khai thác, đem bán nên tôi biết khá rõ”, bà H’Phi La Niê trần tình.
Tác giả: LỮ HỒ
Nguồn tin: Báo Tiền phong