Ảnh minh họa |
Ngày 6/4, BS Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, vừa qua, Khoa tiếp nhận một bệnh nhi bị rắn cổ đỏ cắn dẫn đến tử vong.
Theo đó, bệnh nhi là N.T.N.T (15 tháng tuổi, ngụ Đồng Tháp) bị một con rắn cắn vào cẳng tay phải khi đang chơi ngoài sân. Người nhà đã lấy lá thuốc đắp vào vết rắn cắn cầm máu cho bé nhưng máu vẫn không ngừng chảy nên đưa bé đến bệnh viện địa phương cấp cứu.
Ngày hôm sau, bé được tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận mạch, huyết áp bé khá ổn định nhưng vết rắn cắn liên tục chảy máu. Bé được truyền máu và các yếu tố đông máu, chuyển phòng hồi sức. Đồng thời, bệnh viện cũng liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy và được cho biết loại rắn này chưa có huyết thanh.
Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục liên hệ các nước để tìm huyết thanh nhưng đều vô vọng, có một nơi tại Nhật Bản chỉ mới nghiên cứu thử nghiệm. Tình trạng bé xấu dần khi chảy máu toàn thân như chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da rất nhiều, sau đó suy hô hấp và tử vong, chẩn đoán có khả năng do xuất huyết não.
Bác sĩ Phương cho biết, rắn cổ đỏ còn được gọi là rắn sải cổ đỏ hoặc hổ lửa, có hình dạng đầu màu xanh đậm hay ô liu, cổ có màu đỏ đậm, đỏ nhạt, đỏ nâu hoặc đôi khi có màu vàng, thân hình có vệt màu đen. Dù thuộc họ rắn nước nhưng rắn cổ đỏ có thể sống ở vùng cao nguyên, đồi dốc.
Trên thực tế, loài rắn cổ đỏ này không tự sản xuất ra nọc độc mà tích lũy nọc độc từ các loại động vật chúng ăn như cóc độc, rết và dùng nọc độc này phòng vệ khi bị tấn công hoặc đe dọa. Tùy theo thế cắn, lượng độc tố bơm vào người, người bị rắn cổ đỏ cắn có thể không gặp triệu chứng gì cho tới bị rối loạn đông máu, thậm chí tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo, trong điều kiện huyết thanh kháng lại nọc rắn còn là bài toán tương lai thì người dân đặc biệt là các em nhỏ không nên bắt loại rắn này làm cảnh, tránh nguy hiểm tính mạng. Khi chẳng may bị loại rắn này cắn phải giữ vết thương sạch, đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt, không garô vết thương như bị các loại rắn gây nhiễm độc thần kinh cắn, đặc biệt là không đắp lá cây để tránh gây nhiễm trùng vết thương.
Đề phòng rắn cắn mùa mưa bão và cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn
Tác giả: Đông Quân
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam