Kinh tế

Bảy tháng thăng 3 chức, cái kết buồn cho sếp lớn thời Đinh La Thăng

Ông Nguyễn Hoài Giang, tỷ phú Trần Bá Dương, nhà Cường Đôla, bầu Hiển hay Trần Đình Long và Lê Phước Vũ là những tên tuổi doanh nhân được chú ý trong tuần vừa qua.

Sếp lọc dầu Dung Quất 7 tháng lên 3 chức

Ông Nguyễn Hoài Giang, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) từ phó phòng lên luôn Phó Tổng giám đốc rồi Tổng Giám đốc trong vòng chỉ... 7 tháng.

Từ 2002-2003, ông Giang làm Phó phòng chuyên trách tự động hóa, rồi Phó tổng giám đốc kiêm Phó trưởng ban Ban Quản lý dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Sau đó, ông Giang lần lượt nắm các vị trí chủ chốt của lọc dầu Dung Quất, là thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc lọc hóa dầu Bình Sơn vào năm 2008. Tháng 11/2012 ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV thay cho ông Vũ Văn Nghiêm.

Trần Đình Long và Lê Phước Vũ gặp tin xấu

Quyết định áp thuế cao đối với thép nhập khẩu nước ngoài (tăng khoảng 10 lần lên 25%) khiến thị trường thế giới chấn động. Tỷ phú Việt ngành thép được dự báo cũng sẽ gặp khó khăn bởi chính sách bảo hộ của ông Donald Trump.

Trong đó chính đối thủ của ông Trần Đình Long, đại gia Lê Phước Vũ không là ngoại lệ khi DN này có thị phần xuất khẩu lớn và đang tham vọng mở rộng.

Trong vài ngày gần đây, HPG còn bị ảnh hưởng bởi tin đồn nhảm ông Trần Đình Long “hạ thế” vì đột quỵ. Hôm qua 8/5, vụ cháy trong Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (huyện Kinh Môn, Hải Dương) của Công ty Thép Hòa Phát khiến 4 công nhân bị bỏng nhiệt, trong đó 3 người đã tử vong. Vụ việc xảy ra trong quá trình khu này dừng để sửa chữa, nâng cấp thiết bị từ cuối tháng 3-2018 và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu tháng 6-2018.

Nhà Cường đôla lộ của để dành

Theo báo cáo thường niên của QCG, doanh nghiệp nhà Cường Đôla sẽ khởi công một dự án quy mô gần 1.200 căn hộ tại quận 7 trong năm 2018, tiếp tục mở bán các lô còn lại của dự án liền kề Marina Đà Nẵng và triển khai những bước đầu trong việc chuẩn bị khởi công dự án có quy mô 350 căn liền kề tại TP.HCM.

Trong năm 2017 công ty này đã xây dựng và mở bán thành công giai đoạn 1 & 2 dự án Lavida (quận 7). Chỉ tính riêng 2 dự án trong năm 2018 và 2019 sẽ cung cấp ra thị trường hơn 1.100 căn hộ cao cấp. Bên cạnh đó, QCG còn có một số quỹ đất hiện có năm tại TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) và bước đầu lấn sân sang lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng, du lịch.

Tỷ phú Trần Bá Dương lập Facebook

Nhằm cung cấp thông tin về dự án Thủ Thiêm, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO và Công ty Đại Quang Minh đã chính thức lập tài khoàn facebook. “Từ trước đến nay, tôi chưa sử dụng Facebook. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tôi sẽ dành một khoảng thời gian cần thiết để đưa thông tin và trao đổi trực tiếp với mọi người trên trang Facebook chính thức này của tôi”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, trong vòng 90 phút, vào lúc 17h56', trang này đã bị sập. Hiện có rất nhiều FB giả mạo FB Chủ tịch Trần Bá Dương. Phía Thaco cho biết, công ty đang trong quá trình khôi phục lại tài khoản đã lập của ông Trần Bá Dương trong thời gian sớm nhất, để tránh những thông tin bịa đặt, mạo danh ông Dương.

Theo Forbes, ông Trần Bá Dương và gia đình đang sở hữu khối tài sản 1,78 tỷ USD, xếp thứ 1.407 trên thế giới, cao hơn vị trí của tỷ phú USD Trần Đình Long, nhưng thấp hơn ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet.

Bà Nga rời ghế SeABank

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng này đã thông qua Nghị quyết bầu ông Lê Văn Tần giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, và là người đại diện theo pháp luật của SeABank kể từ ngày 12/4/2018. Ông Tần cũng thôi kiêm đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc SeABank kể từ ngày này.

Tuy vậy, nữ doanh nhân sinh năm 1955 sẽ vẫn là một trong các thành viên chủ chốt của SeABank. Bà Nga giữ vị trí Phó chủ tịch thường trực HĐQT nhà băng này.

Ngoài trọng trách tại SeABank, bà Nga còn tham gia điều hành tại hàng loạt doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" BRG Group, có thể kể đến như Tập đoàn BRG, Công ty Intimex Việt Nam, Công ty TNHH Khách sạn Nhà hát, Khách sạn Thắng Lợi, Công ty CP Du lịch dịch vụ Hà Nội.

VNDirect bị đồn liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (mã VND), các tín đồn liên quan đến vụ đánh bạc nghìn tỷ đã khiến cổ phiếu VND giảm sàn 2 phiên vừa qua. Lãnh đạo công ty này cũng trần tình tại Công ty cổ phần Dịch vụ Homedirect, VNDirect chỉ là cổ đông góp vốn với tỷ lệ sở hữu 15%, tương ứng số vốn góp 7,5 tỷ đồng.

Theo quy định thì VNDirect chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp tại công ty thanh toán trực tuyến này, tức bằng số vốn đã góp 7,5 tỷ đồng.

Tin đồn đang bị điều tra vì có liên quan tới vụ án đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ đã khiến cổ phiếu của VND mất gần 15% giá trị chỉ sau vài ngày. Từ mức giá gần 28.000 đồng/cổ phiếu, VND lao dốc về ngưỡng 22.000 đồng vào 11/5.

Nữ tướng duy nhất tại SABECO

Đó là bà Trần Kim Nga. Bà Nga sinh năm 1961, thường trú tại Nguyễn Đình Chính, phường 11, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Không chỉ đơn giản là Tổng giám đốc của VietBev, bà Nga còn được biết đến là Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam.

Bà Trần Kim Nga

Ngoài trọng trách Tổng giám đốc tại F&B Alliance Việt Nam và VietBev, bà Nga còn đang đại diện và điều hành hàng loạt pháp nhân khác và phần lớn là các doanh nghiệp có liên quan đến tỷ phú Charoen tại Việt Nam như: Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thái Miền Bắc; Văn phòng đại diện Berli Jucker Public Company Limited tại TP. HCM, Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thái Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Phú Thái Miền Trung, Công ty TNHH Lon nước giải khát TBC-Ball Việt Nam, Công ty TNHH Liên kết Thắng Lợi.

Tiền thân của Công ty Cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam là Công ty Cổ phần Đầu tư Nga Sơn (Nga Sơn). Với vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông của Nga Sơn cũng là những cái tên thuần Việt: Trần Kim Nga (199,8 tỷ đồng; chiếm 99,9%); Nguyễn Hải Sơn (0,05%); Trần Thị Thanh Hương (0,05%).

Bầu Hiển có nghìn tỷ từ lĩnh vực nông nghiệp

Theo báo cáo tài chính mà Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh-một đầu mối chính trong việc kinh doanh nông sản của nhóm bầu Hiển-doanh thu quý 1/2018 lên đến gần 1.400 tỷ đồng, tăng vọt so với con số chưa đầy 100 tỷ cùng kỳ.

T&T do bầu Hiển làm chủ tịch HĐQT, đã liên tục xuất hiện trong vai trò là cổ đông chiến lược của hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa hoặc thoái vốn Nhà nước. Và rồi, T&T sở hữu chi phối hàng loạt thương hiệu ngành nông nghiệp một thời như Vigecam, Vinafor, Vegetexco, Unimex, Vinafoods...

Thống kê sơ bộ, số vốn liếng bầu Hiển rót vào những doanh nghiệp ngành nông nghiệp lên đến mấy nghìn tỷ đồng.

Lương nhân viên cao hơn sếp

Báo cáo quỹ tiền lương, thủ lao, tiền thưởng của Công ty Hoa tiêu hàng hải khu vực 1 cho thấy, công ty này trích 58,6 tỷ đồng trả lương và 14,6 tỷ đồng trả thưởng cho 196 nhân viên. Tính trung bình, thu nhập bình quân mỗi nhân viên đạt 31,1 triệu đồng một tháng.

Trong khi đó, công ty chi 1,1 tỷ đồng quỹ tiền lương và 147 triệu đồng tiền thưởng cho 4 vị trí quản lý. Tính trung bình, thu nhập bình quân mỗi tháng của một quản lý là 27,1 triệu đồng. Con số này thấp hơn 4 triệu đồng so với mức thu nhập của nhân viên.

Tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khai thác hải sản Biển Đông (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), mức thu nhập bình quân của lao động công ích lên tới 31,28 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý chỉ ở mức 37,13 triệu đồng/người/tháng.

Hay tại Tổng công ty Truyền thông (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT), mức lương nhân viên khiến nhiều người phải "choáng" với con số xấp xỉ 30 triệu đồng/người/tháng.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP