Kinh tế

Bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu ven biển Quỳnh Lưu

Để phục vụ nhu cầu đánh bắt xa bờ, nhiều năm trước, một số hộ dân ở khu vực bãi ngang, ven biển của huyện Quỳnh Lưu đã đầu tư mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, do một số quy định mới được áp dụng đối với kinh doanh xăng dầu ven biển nên nhiều cửa hàng không đủ điều kiện hoạt động, ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nhiên liệu cho cả ngàn tàu thuyền nơi đây.

Cửa hàng Hải Lý, ở xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, chuyên cung cấp dầu Diezen cho tàu thuyền bám biển dài ngày. Cửa hàng được xây dựng từ trước năm 1999, nằm sát cửa Lạch Quèn, vì vậy việc cung cấp dầu cho tàu thuyền rất thuận lợi. Tuy nhiên, theo quy định mới, thì cửa hàng này không đáp ứng được yêu cầu về diện tích đất tối thiểu 300m2, chiều dài bám đường ít nhất 16m, cộng thêm tiêu chí an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường… để được cấp phép hoạt động buôn bán lâu dài.

Cửa hàng Hải Lý nằm sát cửa Lạch Quèn nên rất thuận tiện cung cấp dầu cho tàu thuyền vươn khơi


Theo ông Hồ Đình Ngọc - xã Tiến Thủy, Quỳnh Lưu, ngư dân phải nhờ vào sự đầu tư của doanh nghiệp, nhưng bây giờ khó khăn lắm. Do đó, nhà nước cấp giấy phép cũng phải tạo điều kiện để doanh nghiệp mới có thể làm ăn được.

Tạo điều kiện ở đây, nghĩa là phải phù hợp với thực tế địa bàn. Cụ thể, toàn bộ khu vực đất liền nằm trên cửa lạch Quèn hiện nay nhà cửa mọc san sát. Nếu đúng theo quy định của Nghị định 83, năm 2014 của Chính phủ thì 17 cửa hàng chuyên cung cấp dầu cho 1200 tàu thuyền có công suất lớn và hàng ngàn phương tiện phải di dời ra xa cửa lạch hơn 1km. Và như vậy, mỗi chuyến ra khơi, các chủ tàu phải lấy dầu khá vất vả.


Sau những ngày dài đi biển, hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ chờ lấy dầu cho chuyến đi mới

Bà Tạ Thị Thành – xã Tiến Thủy – huyện Quỳnh Lưu nói: Thủ tục mới bây giờ càng khó hơn nữa, chúng tôi bán khi không có dân ở, hai bên toàn đất không, bây giờ đông dân lên, nhà nước quy định không cho bán nữa, thấy rất bất cập.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó phòng KTHT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Để cấp phép cho các cửa hàng này thì không đủ điều kiện theo quy định mới, đó là Nghị định 83 năm 2014 của Chính phủ, nên đây là một bất cập. Và không cấp phép, đồng nghĩa 1200 con tàu không có nhiên liệu, và bài toàn di dời các cửa hàng này, thì tại địa bàn Tiến Thủy lại không có diện tích đất theo quy định 300m2 để di chuyển.

Theo quy định mới, cửa hàng này không đáp ứng đủ mặt bằng và chiều dài bám đường ..

Phần lớn cửa hàng kinh doanh dầu cung cấp cho nghề biển tại vùng bãi ngang, huyện Quỳnh Lưu đều được xây dựng trước năm 1999, nghĩa là trước 10 năm so với Thông tư số 14 ra đời, và Thông tư này cũng chưa có quy định bắt buộc về diện tích đất để xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, đến thời điểm hiện nay, nhiều quy định mới ra đời đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý, quy hoạch, cấp phép cho hộ kinh doanh. Đây có thể là bất cập lớn nhất, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh cũng như cuộc sống của ngư dân đang bám biển vươn khơi, nên rất cần có sự giải quyết phù hợp, sát thực tế hơn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nam - Cảnh Hồng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP