Tuy nhiên, để voọc gáy trắng ở đây phát triển bền vững, bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, việc mở rộng không gian sinh tồn thực sự là việc làm cần thiết.
Vai trò tổ tự nguyện
Năm 2012, sau khi nghỉ hưu, về sinh sống tại quê nhà ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, một lần vào rừng, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tú tình cờ phát hiện một số cá thể voọc gáy trắng. Những kiến thức được trang bị tại các lớp tập huấn bảo vệ động vật hoang dã lúc đang công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng đã giúp ông nhận biết, đây là loài linh trưởng quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Tuy nhiên, việc bảo vệ voọc gáy trắng là hết sức khó khăn, bởi khu vực voọc gáy trắng sinh sống là vùng rừng núi, địa hình hiểm trở. “Những thợ săn địa phương và các vùng lân cận vẫn tìm cách luồn rừng, săn bắn, giết thịt, vì họ nhầm tưởng đây là loài vượn đen”, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tú chia sẻ.
Voọc gáy trắng - loài linh trưởng được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam được bảo tồn, phát triển tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. |
Phải nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ loài voọc quý hiếm này. Xuất phát từ suy nghĩ đó, năm 2013, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tú đã vận động được 4 thành viên tham gia vào tổ tự nguyện bảo vệ loài voọc gáy trắng do chính anh phụ trách, trong đó có một số thành viên từng là thợ săn, bẫy thú rừng. Không thù lao, không chế độ, nhưng tổ tự nguyện bảo vệ voọc gáy trắng do cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tú làm tổ trưởng hoạt động khá hiệu quả. Sau mỗi chuyến tuần tra, thông tin về số lượng cá thể voọc được các thành viên cập nhật, kiểm đếm, tổng hợp đầy đủ, chi tiết. “Từng là thợ săn nên chúng tôi khá thông thạo địa hình, biết rõ những nơi voọc thường kiếm thức ăn, cách thợ săn đặt bẫy, để có biện pháp bảo vệ đàn voọc”, anh Nguyễn Văn Hồng, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, thành viên Tổ tự nguyện bảo vệ voọc gáy trắng chia sẻ.
Năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị tài nguyên vùng cao triển khai mô hình hợp tác quản lý, bảo tồn voọc gáy trắng khu vực quy hoạch rừng đặc dụng huyện Tuyên Hóa. Với sự đồng hành, giúp đỡ từ Trung tâm, các thành viên tổ tự nguyện được bồi dưỡng và nâng cao năng lực tổ chức hoạt động của nhóm, trang bị kiến thức về pháp luật, kỹ năng thực hiện các hoạt động bảo tồn; hỗ trợ phương tiện làm việc. Kể từ đây, số lượng thành viên tổ tự nguyện cũng tăng lên, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ voọc gáy trắng.
Với sự chung sức của cộng đồng, đến nay, trên địa bàn các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Sơn Hóa, Thuận Hóa đã ghi nhận 22 đàn với hơn 150 cá thể voọc gáy trắng. PGS, TS Đồng Thanh Hải, hiện đang công tác tại Trường Đại học Lâm nghiệp, chuyên ngành bảo tồn động vật hoang dã, cho biết: “Không chỉ gia tăng về số lượng, các cá thể voọc cũng ghi nhận ở nhiều cấp độ tuổi khác nhau. Điều này khẳng định sự phát triển của voọc gáy trắng ở đây là rất tốt. Ngoài ra, sinh thái quần thể ở khu vực trên cũng rất phù hợp để loài linh trưởng này sinh trưởng, phát triển”.
Mở rộng không gian sinh tồn
Để tạo môi trường sinh thái cho loài voọc phát triển, năm 2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định quy hoạch điều chỉnh 3 loại rừng, đưa vùng núi đá vôi có diện tích 509,42ha vào quy hoạch rừng đặc dụng nhằm thực hiện các hoạt động bảo vệ voọc gáy trắng và các loài động vật hoang dã khác.
Lực lượng kiểm lâm và các thành viên Tổ tự nguyện bảo vệ voọc gáy trắng ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. |
Tại Hội thảo “Tổng kết mô hình hợp tác quản lý, bảo tồn voọc gáy trắng khu vực quy hoạch rừng đặc dụng huyện Tuyên Hóa-Định hướng giai đoạn tiếp theo” do Trung tâm Nghiên cứu Quản trị tài nguyên vùng cao phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình và UBND huyện Tuyên Hóa tổ chức, nhiều giải pháp quan trọng được các cơ quan chức năng, nhà nghiên cứu đề xuất để bảo tồn và phát triển voọc gáy trắng một cách bền vững.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: "Trong thời gian qua, UBND huyện đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học khu vực quy hoạch rừng đặc dụng thuộc huyện Tuyên Hóa; đây là cơ sở pháp lý quan trọng để việc bảo vệ đàn voọc được tốt hơn. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến bảo tồn loài, mở rộng diện tích quy hoạch rừng đặc dụng để bảo vệ voọc và các loài động vật khác trên địa bàn huyện".
Cùng với việc mở rộng không gian sinh tồn, nhiều mối đe dọa có thể ảnh hưởng đến loài voọc cũng được đề cập, tìm biện pháp tháo gỡ, như: Khai thác lâm sản, chăn thả gia súc ở khu vực có các đàn voọc sinh sống, lấn chiếm rừng đặc dụng... Ông Nguyễn Văn Huệ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa cho biết: "Đơn vị đã ban hành quyết định thành lập Tổ tự nguyện bảo vệ đàn voọc với 13 thành viên; quy chế hoạt động và quyết định hỗ trợ kinh phí cho Tổ tự nguyện. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm huyện đã phối hợp, tăng cường công tác tuần tra, truy quét lâm tặc, bảo vệ hiệu quả diện tích quy hoạch rừng đặc dụng”.
Ông Châu Văn Huệ, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị tài nguyên vùng cao cho biết: "Hiện không gian sinh tồn của voọc cũng gặp nhiều thách thức, bởi khi số lượng đàn gia tăng thì không gian sinh tồn bị thu hẹp lại. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung kết nối không gian sinh tồn các khu vực mà voọc đang sinh sống. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để có những chính sách thực hiện hoạt động quản lý bảo tồn và đề xuất xây dựng khu bảo tồn loài sinh cảnh ở khu vực quy hoạch rừng đặc dụng này”.
Chung nhận định, PGS, TS Đồng Thanh Hải cho rằng, hiện số lượng các đàn đang bị chia cắt do sinh sống ở nhiều quả đồi khác nhau nên việc mở rộng không gian sinh tồn là giải pháp quan trọng để voọc gáy trắng sinh trưởng, phát triển. Ngoài ra, để công tác bảo tồn voọc gáy trắng được bền vững, lâu dài thì phải tiếp tục đưa ra các nghiên cứu khoa học, trong đó tập trung vào các nghiên cứu sinh thái quần thể, cấu trúc xã hội và sự tương tác giữa các đàn. “Quan trọng nhất là phải kết nối hành lang sinh cảnh để các đàn di chuyển qua lại, bảo đảm giao lưu về mặt di truyền, tránh giao phối cận huyết, nếu không tuổi thọ và sự phát triển loài sẽ bị ảnh hưởng”, PGS, TS Đồng Thanh Hải cho biết thêm.
Voọc gáy trắng hay voọc Hà Tĩnh có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, là một trong những loài linh trưởng được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam, cần ưu tiên bảo tồn. Voọc gáy trắng là loài đặc hữu của khu vực miền Trung Việt Nam và Lào. Ở Việt Nam, loài này chỉ phân bố giới hạn tại hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.
|
Tác giả: TRẦN MINH TÚ
Nguồn tin: qdnd.vn