Trong nước

Bảo vệ cán bộ và trăn trở của viện trưởng

Tại buổi trả lời chất vấn chiều 20/3, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề nghị xem lại quy định gây thiệt hại 100 triệu đồng vẫn bị xử lý hình sự vì mức độ xác định thiệt hại như trên trong tình hình hiện nay không còn phù hợp. Ông cũng đề nghị giảm khung hình phạt tù, tăng chế tài phạt tiền.

Có lộ trình hạn chế tiền mặt

Nêu chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng. Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết đã có những chỉ đạo và có những biện pháp ra sao?

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.

Trả lời, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, đây là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nên cần hoàn thiện thể chế về kinh tế để hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Ông Trí kiến nghị tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực.

Theo ông Trí, tồn tại trong hệ thống tư pháp có nhiều nguyên nhân. Viện trưởng lấy ví dụ về vấn đề đấu giá đất, Luật Đất đai yêu cầu phải đấu giá nhưng Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản thì không. Ông Trí kiến nghị xử lý các lỗ hổng, đồng thời có lộ trình hạn chế tiền mặt, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát. Theo ông, chính việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)

Trăn trở của Viện trưởng

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, Viện trưởng Lê Minh Trí chia sẻ, đây là vấn đề cá nhân ông trăn trở, suy nghĩ. Nhấn mạnh tinh thần phải xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tuy nhiên, theo ông Trí, trong thực tiễn có những trường hợp thực hiện do “mệnh lệnh” của cấp trên, hoặc cấp trên gợi ý, nhưng cấp dưới phải chấp hành. Ngoài ra, còn có việc cấp dưới tham mưu, nhưng tham mưu không đầy đủ nên dẫn đến rủi ro…

Theo Viện trưởng, nếu những trường hợp trên khắc phục hoàn toàn hậu quả hoặc hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án mà áp dụng vào trường hợp miễn, giảm, tha, đối với luật hiện hành là vướng. Do vậy, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị rà soát, sửa lại các điều luật cụ thể, giải quyết được tình huống cá nhân gây hậu quả không lớn nhưng vẫn bị xử lý hình sự, còn nếu không xử lý thì vi phạm pháp luật.

Viện trưởng ví dụ vụ Việt Á, cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án phải ngồi lại với nhau nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền chủ trương phân hoá làm ba loại, trong đó có trường hợp xử lý nghiêm; một loại là giảm, còn một loại là không xử lý hình sự nhưng xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính. “Đó là phương án xử lý từng vụ án cụ thể, còn để áp dụng cho các vụ án trên toàn quốc là chưa có”, ông Trí nói và đề nghị phải cụ thể hoá bằng pháp luật, nếu không sẽ vướng, dù Đảng đã có quy định.

Viện trưởng Lê Minh Trí đề nghị xem lại quy định gây thiệt hại 100 triệu đồng bị xử lý hình sự trong Bộ luật Hình sự. “Mức độ xác định thiệt hại 100 triệu đồng trong tình hình hiện nay là không phù hợp. Mức chế tài, khung hình phạt tù, theo tôi nên giảm. Cần tăng chế tài phạt tiền để đảm bảo xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu cầm đầu, chiếm đoạt vụ lợi, nhưng nhân văn đối với những người rủi ro”, ông Lê Minh Trí cho hay.

Xử một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng” là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo trong điều tra các vụ án kinh tế tham nhũng. Ngoài việc điều tra, chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của điều tra vụ án là xác định sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị khắc phục. Qua đó góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng.

“Điển hình qua một số vụ án ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ quan điều tra có nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác đầu tư công, đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, giáo dục… Đã góp phần minh bạch vấn đề này với mục tiêu một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, Bộ trưởng Bộ Công an nêu.

Tăng chế độ chính sách để cán bộ yên tâm công tác

Trả lời câu hỏi về các giải pháp để cán bộ “không muốn, không dám, và không thể tham nhũng”, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, cần thực hiện ba giải pháp. Để “không thể” tham nhũng, theo ông, thể chế, cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không để lợi dụng. Còn để “không dám”, thì với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu có ý đồ chiếm đoạt, vụ lợi sẽ điều tra xử lý nghiêm, giúp răn đe, làm cho đối tượng có ý đồ không lành mạnh, vi phạm pháp luật phải sợ.

Còn để “không muốn”, ông Trí kiến nghị cần có chế độ chính sách đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ, công chức. Theo Viện trưởng, chế độ chính sách cho cán bộ các cấp nói chung, mặc dù thời gian qua đã có nhiều cố gắng, có chế độ định kỳ tăng lương, nhưng với chính sách hiện hành, cán bộ nếu tự sống bằng đồng lương sẽ hết sức khó khăn, phải sống nhờ vào các nguồn khác. Có khi nhờ cha mẹ, nhờ anh em, nhờ bên vợ, nhờ bên chồng…

Do vậy, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, phải nghiên cứu để có lộ trình, giải pháp để có chế độ chính sách đảm bảo mức tối thiểu cho cán bộ yên tâm công tác. Dù nguồn ngân sách hiện nay có hạn, nhưng theo ông Trí, phải luôn quan tâm đến việc này để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức có tâm huyết, muốn giữ gìn đạo đức trong sáng cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Tác giả: LUÂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP