Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị trực tuyến sáng 14/11. |
Sáng 14/11, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến trong toàn ngành để triển khai thực hiện Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đến nay đã cấp gần 8 triệu số định danh cá nhân thông qua việc tổ chức cấp thẻ Căn cước công dân ở 16 địa phương; phối hợp với Bộ Tư pháp cấp 700.000 số định danh cho trẻ em mới sinh ra ở 17 địa phương.
Ngoài ra, Bộ Công an đã triển khai thu thập thông tin dân cư ở Phủ Lý (Hà Nam), tỉnh Hoà Bình, triển khai phần mềm quản lý dân cư ở Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, xây dựng quản lý dân cư ở TP Hải Phòng và chuẩn bị nhiều công việc khác nhằm triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Phương pháp quản lý dân cư hiện nay chủ yếu là thủ công, lạc hậu. Việc tra cứu thông tin chậm, gây phiền hà cho các tổ chức, công dân. Chính vì vậy việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc ngày càng quan trọng vì đây là cơ sở dữ liệu nền tảng, tập hợp thông tin cơ bản nhất của tất cả công dân Việt Nam”- ông Vương nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định, mỗi người phải có một số định danh cá nhân từ khi sinh ra; đến tuổi quy định phải được cấp Căn cước công dân. Đồng thời với cấp mới Căn cước công dân, sẽ tiến tới cấp đổi CMND thành Căn cước công dân để phù hợp với số định danh cá nhân. 12 số trên thẻ Căn cước công dân chính là số định danh của mỗi con người.
“Đây là điều hết sức quan trọng, cốt lõi. Trên cơ sở có số định danh cá nhân, Căn cước công dân, xây dựng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý hộ khẩu, hộ tịch và làm cơ sở dùng chung cho tất cả các bộ ngành, địa phương trong giải quyết việc của người dân theo hướng đơn giản hoá, thuận tiện. Đó cũng chính là niềm mong đợi, kỳ vọng của nhân dân”- ông Vương nhấn mạnh.
Theo quy định, chậm nhất tới ngày 1/1/2020 phải hoàn thiện và đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc. Đây là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn khu dân cư với nguồn vốn đầu tư rất lớn nhưng ngân sách còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu Tổng cục Cảnh sát khẩn trương triển khai dự án một cách nghiêm túc, đúng tiến độ của Bộ Công an đã giao và chú trọng công tác tuyên truyền để nhân dân ủng hộ.
Tổng cục An ninh, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật được yêu cầu phối hợp với Tổng cục Cảnh sát, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đảm bảo an toàn thông tin, đặc biệt là bảo mật dữ liệu trong quá trình khai thác, vận hành, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Đây là cơ sở dữ liệu dùng chung nhưng không phải tất cả thông tin của người dân đưa vào khai thác chung dễ dàng được. Quá trình triển khai không được tăng biên chế, bổ sung chỗ này, chỗ khác…”- Thượng tướng Lê Quý Vương chỉ đạo.
Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khẳng định, đề án này được kỳ vọng rất lớn vì liên quan đến quyền lợi sát sườn của công dân. Chính vì thế công tác tuyên truyền cho người dân phải đặt lên hàng đầu.
Ông Vệ đề nghị công an các địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố triển khai hội nghị ở địa phương, tập huấn nghiệp vụ thu thập thông tin dân cư.
Giám đốc công an địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về triển khai thu thập thông tin dân cư và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở địa phương.
“Phải tập trung nguồn lực để thu thập thông tin dân cư chính xác, kịp thời”- ông Vệ nói.
12 số trên thẻ Căn cước công dân chính là mã số định danh cá nhân của mỗi người. |
Trao đổi với Dân trí trước đó, Thượng tá Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 - Tổng cục Cảnh sát) khẳng định, việc cấp hộ khẩu cho người dân vẫn diễn ra bình thường.
“Khi Bộ Công an xây dựng xong Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, các ngành làm xong cơ sở dữ liệu chuyên ngành của mình thì kết nối với nhau, người dân sử dụng mã số công dân trên thẻ căn cước thì khi đó bản thân cơ quan Nhà nước không cần, công dân cũng không cần quyển sổ hộ khẩu nữa thì sẽ bỏ thôi. Tức là quyển sổ hộ khẩu giấy có thể bỏ, nhưng công tác quản lý dân cư và cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân vẫn làm bình thường”- ông Phú nói.
Ông Phú khẳng định, trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2019-2020, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu hay chứng minh thư nhân dân vẫn tiến hành bình thường như cũ. Các bộ ngành phải tự rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu để đơn giản hóa thủ tục.
Kinh phí của dự án này khoảng hơn 3.000 tỷ, thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Hiện nay Chính phủ đang giao Bộ Công an ứng tiền thực hiện trước một số dịch vụ trong năm nay. Đầu năm tới Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội bổ sung dự án này và có kế hoạch giao Viettel thực hiện dự án. Hệ thống kỹ thuật sẽ được đầu tư từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện đến hơn 11.000 xã phường thị trấn; đầu tư đường truyền đến cấp xã luôn, cùng nhiều hệ thống phần mềm, quản trị, đào tạo cho hệ thống nhân lực khổng lồ.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí