Chiều 28/9 (giờ địa phương), Cơ quan khí tượng quốc gia Philippines (PAGASA) cho biết, áp thấp nhiệt đới ở phía đông nước này đã mạnh lên thành bão Julian. Tâm bão đang cách Aparri tỉnh Cagayan (Philippines) khoảng 465 km về phía đông. Đây là cơn bão gần Biển Đông nhất.
Trong những giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng nam tây nam. Sức gió duy trì mạnh nhất trong bão nhiệt đới Julian gần 65 km/giờ gần tâm bão và gió giật lên tới 80 km/giờ.
Các chuyên gia khí tượng của PAGASA không loại trừ khả năng bão Julian có thể tăng cấp thành siêu bão trong những ngày tới. Theo dự báo của PAGASA, đến lúc 8h sáng 29/9, siêu bão Julian cách Aparri, Cagayan, 230km về phía đông.
Tới 8h sáng 30/9, Julian cách Calayan, Cagayan 160km về phía đông. Tiếp đó, tới 20h cùng ngày, cơn bão này có khả năng đạt sức gió cực đại khi tiếp cận quần đảo Batanes và/hoặc Babuyan vào ngày 30/9. Đây cũng là thời điểm mà bão Julian có thể đạt cường độ mạnh nhất, hoặc gần với mức siêu bão.
Sau khi ảnh hưởng đến Philippines, bão Julian dự kiến sẽ tăng tốc về phía Đông Bắc, vượt qua vùng biển phía đông của Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 1/10.
Cơ quan khí tượng khuyến cáo người dân tại khu vực Philippines và các vùng lân cận theo dõi sát sao diễn biến của bão Julian để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Cơn bão gần Biển Đông Julian được dự báo mạnh lên thành siêu bão. Ảnh: PAGASA |
Báo Thanh Niên thông tin, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Julian được các cơ quan khí tượng quốc tế và nước ta nhận định ít có khả năng di chuyển vào Biển Đông.
Ngoài ra, cơ quan này cho biết, hiện nay, trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương có 2 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới này đều di chuyển lên phía bắc của vùng biển bắc Thái Bình Dương, chưa có dấu hiệu di chuyển vào Biển Đông. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đang theo dõi sát diễn biến của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới này.
Cơ quan khí tượng cho biết thêm, từ tháng 10 - tháng 12/2024, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 4 - 5 cơn; khoảng 2 - 3 cơn đổ bộ đất liền. Các tỉnh khu vực miền Trung cần rà soát các phương án sẵn sàng ứng phó mưa lũ cực đoan trong tháng 10 - tháng 11/2024.
Biến đổi khí hậu đang làm các cơn bão mang nhiều hơi nước hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn. Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu khiến bão di chuyển chậm hơn, theo đó bão có thể trút nhiều nước hơn vào một chỗ. Phân tích của các nhà nghiên cứu từ tổ chức đánh giá về thời tiết trên thế giới WWA cho thấy, hiện tượng nóng lên toàn cầu và việc đốt nhiên liệu hóa thạch khiến tốc độ của các cơn bão như Gaemi hay Yagi nhanh hơn và lượng mưa cao hơn thông thường.
Tiến sĩ Ben Clarke, thuộc Đại học Hoàng gia London và là thành viên của nhóm WWA cho biết: "Sự nóng lên do nhiên liệu hóa thạch đang mở ra một kỷ nguyên mới của những cơn bão lớn hơn, chết chóc hơn. Châu Á sẽ trở thành nơi ngày càng nguy hiểm bởi những cơn bão kiểu này cho đến khi nhiên liệu hóa thạch được thay thế bằng năng lượng tái tạo".
Không chỉ gây ra những cơn bão mạnh hơn, hiệu ứng nhà kính còn làm tăng mực nước biển dâng, gia tăng nguy cơ ngập lụt ở các vùng ven biển. Khi các cơn bão kết hợp với hiện tượng nước biển dâng, hậu quả sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của các cơn siêu bão, chúng ta cần có những giải pháp toàn diện.
Rõ ràng, hiệu ứng nhà kính đang trở thành một trong những thủ phạm chính tạo ra siêu bão mạnh mẽ, và sự gia tăng tần suất cũng như cường độ của các cơn bão này là minh chứng rõ ràng cho tác động của biến đổi khí hậu.
Nguồn tin: doiongphapluat.nguoiduatin.vn