Nhân ái

Bán cả vụ ngô ông cũng không đủ tiền mua thuốc cho cháu

Cầm lấy tay tôi, giọng ông run run, khẩn khoản: “Tôi thương đứa cháu này, nó có bố, có mẹ mà chỉ biết dựa vào ông bà. Xin nhờ cô chú giúp đỡ để cháu tôi được sống”.

Tiếng trống từ ngôi trường bên cạnh vang lên, cậu bé ngẩng đầu, nhìn dáo dác một hồi rồi như sực nhớ ra điều gì đó, em lại cúi gầm mặt xuống. Ngó thấy vậy, ông Nguyễn Xuân Cầm (sinh năm 1962) giải thích: “Cháu nó muốn được đi học để gặp cô giáo, bạn bè. Từ ngày bệnh, nó phải nghỉ học mất một năm rồi”.

Cậu bé Nguyễn Việt Anh (sinh năm 2009, trú tại thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) mắc bệnh ung thư máu cách đây hơn 1 năm. Sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn, cha mẹ chia tay, mẹ bỏ đi lấy chồng khác, Việt Anh lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại. Hằng ngày, ngoài giờ học, hai ông cháu lại cùng nhau thủ thỉ, vui vẻ. Đối với ông Cầm, thằng cháu ngoại có đôi mắt sáng đó là niềm động viên tuổi xế chiều.

Bé Nguyễn Việt Anh mắc bệnh ung thư máu

Tháng 6/2017, ông phát hiện trên người cháu mình nổi một cục hạch, sờ vào nóng bừng. Thấy cháu không kêu đau, ông cũng tạm yên tâm. Cho đến khi trên người nổi thêm vài hạch nữa, người hâm hấp sốt, ông Cầm mới vội đưa cháu đến bệnh viện thăm khám.

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới chẩn đoán Việt Anh bị ung thư, yêu cầu chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương xét nghiệm. Kết quả cho thấy căn bệnh ung thư máu đã đến giai đoạn 4. Việt Anh cần nhập viện gấp để điều trị hóa chất.

“Vợ chồng tôi làm nghề nông, đến giờ lưng còng rạp, đầu hai thứ tóc rồi cũng chỉ biết trồng trọt lấy cái ăn”, ông Cầm ngậm ngùi. Để có tiền cho cháu truyền hóa chất, ông bà bàn nhau bán bò, bán me (bê con - PV), gom được 30 triệu đồng. Nhà trường nơi Việt Anh theo học đứng ra giúp đỡ, kêu gọi ủng hộ cũng được thêm chút ít.

Cầm chặt số tiền sinh mệnh trong tay, hai ông cháu dắt díu nhau ra ngoài Hà Nội. Những đợt truyền thuốc đau đớn làm tóc trên đầu cậu bé rụng hết. “Những lúc nó đau cứ bíu lấy tay tôi mà gọi ‘ông ơi cứu con’, nghe thương lắm”, ông Cầm xót xa. Người cháu có cha mẹ mà như côi cút, giờ lại phải chịu cảnh bệnh tật hành hạ.

Hai ông cháu lặn lội từ Quảng Bình ra Hà Nội chữa trị

Trước kia, cha mẹ Việt Anh đến với nhau không làm đám cưới, cũng chẳng đăng ký kết hôn. Đến khi sinh con ra thì lại bỏ nhau, mẹ Việt Anh vào Nam làm công nhân, hàng tháng gửi ra chút tiền, có khi là bộ quần áo cho con đi học. Cha em từng bị tai nạn giao thông, hai chân liệt, giờ phải dùng nạng đi cà nhắc.

Ngày Việt Anh phát hiện ra bệnh, mẹ mới đẻ em bé được 10 tháng, chồng mẹ cũng nghèo, chẳng phụ được gì. Cha em đưa được 1, 2 triệu rồi lực bất tòng tâm. Chỉ có ông bà ngoại là quyết tâm bằng mọi cách cứu cháu.

Thấy hai ông cháu đi lại vất vả, lặn lội quãng đường hàng trăm cây số ra Hà Nội chữa bệnh, sau khi chuyển sang giai đoạn duy trì, Bệnh viện Nhi Trung ương làm giấy chuyển viện cho Việt Anh điều trị ở Bệnh viện Quảng Bình. Mặc dù vậy, những vỉ thuốc đắt đỏ giá hàng triệu đồng nằm ngoài danh mục bảo hiểm vẫn khiến ông Cầm phải khốn đốn.

“Một vỉ thuốc 10 viên có giá 1,6 triệu đồng. Mỗi đơn thuốc là 1 vỉ, đây cô xem”, ông Cầm chìa cho tôi một tập giấy dày. Một mùa trồng ngô, trồng đỗ của ông bà ở quê bán được triệu bạc, vậy tiền đâu mà mua thuốc cho cháu? Ông thở dài. Số tiền dành dụm cho tuổi già nghỉ ngơi đã hết, nợ lại gánh thêm. Đến giờ nếu không tiếp tục mua thuốc cho Việc Anh, bao nhiêu công sức chạy chữa từ trước đến giờ sẽ thành công cốc.

Đơn trình bày hoàn cảnh của gia đình ông Cầm

Có cả thảy 7 người con những mỗi người một số phận, có người mới đây còn gặp tai nạn giao thông chấn thương nặng bên Lào, ông Cầm cũng phải xoay sở hàng chục triệu đồng lo gửi sang cho con. Hết lo cho con lại lo cho cháu, lưng ông còng có lẽ không phải bởi chiếc ba lô nặng, mà bởi gánh nặng cuộc đời đã đè lên đôi vai người nông dân khốn khổ.

Hiện tại, tài sản đáng giá duy nhất trong nhà là 2-3 sào ruộng cằn cỗi với một con bò cày. Nếu cùng đường, ông Cầm buộc phải bán nốt đi, nhưng bán rồi thì làm sao mà làm ruộng? Rồi tiêu hết tiền bán bò thì lấy đâu ra nữa mà mua thuốc tiếp đây?

Những câu hỏi cứ quanh quẩn khiến bầu không khí giữa chúng tôi trở nên nặng nề. Ông Cầm ôm lấy Việt Anh không nói gì. Chỉ đến khi ra về, ông mới run run cầm lấy tay chúng tôi: “Tôi thương đứa cháu này, nó có bố, có mẹ mà chỉ biết dựa vào ông bà. Xin nhờ cô chú giúp đỡ để cháu tôi được sống”.

Mọi đóng góp có thể gửi về:

Gửi trực tiếp: Ông Nguyễn Xuân Cầm, thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. SĐT 0915 854 036

Tác giả: Thu Hiền

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP