Kinh tế

Bãi soi hoang... hóa "vàng mười"

Vùng bãi soi rộng trên 50ha trên địa bàn xã Thanh Tiên và Thanh Văn - huyện Thanh Chương, trong nhiều năm bị bỏ hoang vì tranh chấp. Gần đây, một người dân ở huyện Tân Kỳ đã đấu thầu để trồng mía, thu tiền tỷ mỗi năm.

Vùng đất chứa “ẩn tích”

Vùng bãi soi tiếp giáp giữa hai xã Thanh Văn và Thanh Tiên là một vùng đất cao ráo màu mỡ từng nằm giữa 2 lạch sông thuộc địa bàn 2 xã Thanh Tiên và Thanh Văn. Có một câu chuyện cũ kể rằng, trước đây, 2 xã từng tranh chấp vùng bãi này. Ở chốn công đường quan huyện đã nghĩ ra một kế là dùng một quả bầu thả từ phía trên thượng nguồn sông Lam để xác định dòng chính và tuyên bố vùng bãi này thuộc xã Thanh Văn, tự nhiên biến cải dòng chính sông nay đã bị bồi lấp, bãi soi đã nằm hoàn toàn trên đất xã Thanh Tiên nhưng lại thuộc chủ quyền của xã Thanh Văn.

Trên đồin mía xanh tốt với không khí sản xuất nhộn nhịp này từng là một vùng đất hoang với những "ẩn tích"


Sông sâu cách trở, người dân xã Thanh Văn luôn gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác, bảo vệ. Sau này, xã Thanh Văn không chia cho dân nữa mà đưa vào đất dự phòng tổ chức cho người dân đấu thầu với giá 15 triệu đồng mỗi năm nhưng vì vẫn làm ăn nhỏ lẻ nên không có giá trị kinh tế.

Trước năm 2010, trên 50 ha đất bãi này coi như bỏ hoang với rất nhiều hệ lụy, chính quyền 2 xã luôn phải đau đầu để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh từ đất, chưa nói là tại đây đã từng xảy ra án mạng.

Và... hóa “vàng mười”

55ha mía hứa hẹn một vụ mùa bội thu


Từ cuối năm 2011, ông Nguyễn Văn Tuất ở xóm Mai Tân - xã Nghĩa Hoàn - huyện Tân Kỳ - một cổ đông của Công ty mía đường Sông Con đã thuê lại toàn bộ, phối hợp với một số hộ dân sở tại triển khai trồng mía. Ông đã cho xây dựng nhà ở thuê chính những người dân sở tại làm bảo vệ và cày bừa, trồng trỉa. Hiện tại, vào ngày thường có 3- 5 bảo vệ. Vào vụ trồng, làm cỏ hoặc thu hoạch huy động từ 40- 50 người, có thời điểm lên đến 100 người. Làm xong trả tiền tại ruộng. Nhờ vậy, mà đất bãi đã sống lại đưa lại nguồn lợi lớn cho những người chủ mới.

Người dân vừa có việc làm...

... lại vừa tận dụng phế phẩm làm thức ăn cho gia súc


Theo ông Tuất, sau vụ đầu trồng thử vào năm 2012, đến nay, ông đã trồng hết diện tích. Năm nay, năng suất dự ước 70 tấn/ha, với giá 900.000 đồng/tấn sẽ thu về trên 3 tỷ đồng, trừ chi phí vật tư phân bón, nhân công thu lãi gần 2 tỷ đồng. Còn với xã Thanh Văn, ông Nguyễn Văn Thùy - Bí thư Đảng ủy cũng vui mừng cho biết: Từ chỗ mỗi năm chỉ thu được 15 triệu đồng tiền cho thuê đất, nay địa phương đã thu được 300 triệu đồng, gấp 20 lần, lại không phải lo lắng giải quyết các vấn đề về tranh chấp và an ninh trật tự.

Xe ô tô vào tận ruộng đưa mía về nhà máy


Những ngày này, trên vùng bãi soi giữa 2 xã Thanh Văn và Thanh Tiên liên tục có nhiều người dân và ô tô xe máy vào ra để thu hoạch mía cho ông chủ Nguyễn Văn Tuất. Người dân xã Thanh Văn và Thanh Tiên, ai cũng vui mừng bởi ngoài việc được làm thuê lấy tiền, lấy phụ phẩm từ cây mía làm thức ăn cho trâu bò họ còn được thấy một cách làm mới đã biến vùng bãi hoang thành đồng mía xanh tốt.

Tác giả bài viết: Trần Đình Hà

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP