Giáo dục

Bài luận giúp nữ sinh trúng tuyển 14 đại học danh tiếng

Bài luận cảm động về thời thơ ấu, cuộc gặp gỡ với trẻ em nghèo ở Madagascar đã giúp nữ sinh người Mỹ trúng tuyển các trường danh tiếng như Harvard, Princeton, Stanford.

Cách đây mấy năm, Soa Andrian - hiện là sinh viên hệ sau đại học tại Harvard - đã đưa kỷ niệm thơ ấu vào bài luận tuyển sinh, giúp cô trúng tuyển vào 14 trường đại học.

Soa đã kể chuyến thăm họ hàng sống ở Antananarivo, Madagascar (một quốc gia ở châu Phi). Cô viết về nguy cơ bị bắt nạt mà người dân vùng này đang phải đối mặt.

Bài luận về kỷ niệm với trẻ em nghèo ở Madagascar giúp Soa trúng tuyển 14 trường. Ảnh: The Outlook.

Ban đầu, nữ sinh Harvard không có ý định đưa chuyện của bản thân vào bài luận mà chỉ muốn viết điều gì đó chung chung, không liên quan việc riêng.

"Bài luận đầu tiên nói về buổi thuyết trình tôi tham gia chương trình hè và cách khắc phục tính rụt rè của mình. Nhưng nó có vẻ giả tạo vì tôi chỉ viết những gì mình nghĩ cán bộ tuyển sinh thích đọc", Soa Andrian cho biết.

Cuối cùng, cô thay đổi suy nghĩ, đề cập những trải nghiệm mang tính cá nhân và đây là quyết định đúng đắn.

Bài luận ấn tượng ấy giúp cô trúng tuyển những trường danh tiếng như Đại học Brown, Chicago, Columbia, Florida, Johns Hopkins, Miami, Northwestern, Pennsylvania, Princeton, Rice, Stanford, Washington, Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts.

Trong tháng 11, Soa Andrian chia sẻ bài luận này trên Business Insider.

Bốn cậu bé đứng trên đống rác trước mặt tôi. Những lời la hét "bota, bota, matava" (đồ mập, đồ phát phì) của chúng khiến tôi nghẹt thở.

Bụng tôi quặn lên bởi sự thất vọng và đau đớn. Tôi nhìn quanh, hy vọng ai đó sẽ giúp mình nhưng chỉ thấy một khối bê tông xỉ than dưới chân. Với sức lực của cô bé 8 tuổi, tôi chẳng thể nhấc nổi nó.

Vì thế, tôi chỉ biết gào khóc bằng tiếng Anh: "Các người chỉ đang ghen tỵ vì nghèo đói còn tôi là người Mỹ".

Ngay khi thốt lên những lời đó, tôi biết mình đã phạm sai lầm. Tôi không hài lòng vì mình là kẻ chiến thắng. Tôi ngay lập tức xoay người bỏ chạy về nhà dì và trốn trong đó.

Sau khi vừa khóc vừa kể lại chuyện vừa cho dì và chú, tôi lao vào lòng dì, né tránh nỗi thất vọng hiện lên trong mắt bố tôi. Cả tôi và ông ấy đều hiểu rằng tôi không hề là nạn nhân trong chuyện vừa rồi.

Nhưng chỉ một lúc sau, tôi đã bình tĩnh trở lại, quên đi mặc cảm tội lỗi vừa trào lên trong phút chốc ấy. Tôi lại ra ngoài để khám phá những vết nứt trên vách đá ở Antananarivo.

Những cậu bé ban nãy vẫn chơi đùa trên đống rác. Nhìn thấy tôi, họ ngay lập tức leo xuống rồi bỏ chạy về hướng ngược lại.

Tôi nghĩ mọi chuyện đều ổn, đến tôi cũng chẳng ưa nổi mình. Nhưng khi tôi bắt đầu đi dạo trên đường, tôi lại nghe thấy tiếng la hét vang lên từ đằng sau, bảo tôi chờ họ.

Bốn đứa bé bắt kịp, vẫy mấy tờ tiền khoảng 100 ariary (đơn vị tiền tệ của Madagascar) trước mặt tôi. Bằng thứ tiếng Anh bập bõm, họ tha thiết bảo với tôi rằng họ không nghèo, họ có tiền và cũng là người Mỹ.

Tôi gật đầu bảo họ nói đúng và mỉm cười buồn bã: 1 USD tương đương 7.000 ariary.

Ngay lúc đó, tôi sâu sắc hiểu được điều gì ngăn cách mình với đám trẻ này: biển lớn, kinh nghiệm sống, tiền bạc, chính trị, sự thiếu hiểu biết, thờ ơ.

Mỉa mai thay, đó lại là lần đầu tiên tôi thuộc về "tổ quốc". Và rồi tôi dần cảm nhận được niềm vui, niềm tự hào về những đứa bé sớm học được cách xoay xở vì họ sinh ra từ nghèo đói.

Ký ức về ngày hôm đó thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ, ảnh hưởng cách tôi nhìn nhận mọi việc. Sự hiểu biết về cuộc sống của hàng triệu người mà với họ, những chiếc bàn chải đánh răng điện tử cũng là vật xa xỉ, bí ẩn giúp tôi tự đặt cho mình một số nguyên tắc.

Thứ nhất, giáo dục là cơ hội, không phải gánh nặng.

Thứ hai, phải luôn sẵn sàng chia sẻ.

Dù chưa biết chắc điều gì về tương lai, tôi chắc chắn mình muốn hỗ trợ người khác. Tôi hiểu rõ tầm quan trọng của nó trong giáo dục lẫn nghiên cứu học thuật.

Tôi biết niềm đam mê này sẽ theo mình suốt cuộc đời và sẽ tự bộc lộ qua những hoạt động của mình tại Harvard.

Kỷ niệm thơ ấu thôi thúc tôi hỗ trợ mọi người mà không mang theo định kiến với bất kỳ ai.

Tôi luôn sẵn lòng hợp tác để mang lại sự thay đổi tốt đẹp cho cộng đồng trong và ngoài trường học.

Tôi có thể đưa ra các sáng kiến trong việc giải quyết những vấn đề. Chúng xuất phát từ niềm khát vọng chân thành được giúp đỡ người khác.

Tôi làm việc vì những cậu bé đó, vì những ai tự hào là người Madagascar (thậm chí cả những người không tự hào về mảnh đất này), và vì những đứa trẻ ngập tràn yêu thương với những gì họ có thay vì than thở về những thứ họ không có.

Tác giả bài viết: Nguyễn Sương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP